Tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp

Ngày 5-11, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác thi hành án và công tác đặc xá; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm...

Ngày 5-11, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác thi hành án và công tác đặc xá; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm...

  • Hiệu quả phòng chống tham nhũng chưa tương xứng

Thảo luận tại hội trường về tình hình phòng chống tội phạm hiện nay, các đại biểu bày tỏ nhiều lo ngại trong khi báo cáo của Chính phủ “quá lạc quan”. Đại biểu (ĐB) Trần Thị Dung (Điện Biên) phát biểu, cử tri cả nước cho rằng tham nhũng lãng phí chưa được đẩy lùi, vẫn là bức xúc của xã hội, nhiều trường hợp xử lý chưa nghiêm, nhất là người đứng đầu.

Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định năm 2010 tình hình tham nhũng có giảm, nhưng nhiều lĩnh vực vẫn rất nhức nhối, như đất đai, xây dựng. ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) đồng tình với nhận định của Ủy ban Tư pháp, tình hình tham nhũng còn phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi việc phát hiện, xử lý chưa tương xứng. “Có địa phương không phát hiện vụ nào, tình hình tốt đẹp đến vậy chăng? Càng lên cấp cao, tham nhũng càng ít hay vì khó xử lý nên số vụ việc được phát hiện ít hơn ở cơ sở?”, ĐB Đặng Văn Xướng nêu câu hỏi. Theo ông, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) phải nói đi đôi với làm, chủ động phòng chống ở cơ sở, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. “Đừng để nhiều người thờ ơ, vô cảm với việc PCTN và chọn cách sống chung với tham nhũng. Rất đáng lo khi người dân, doanh nghiệp sẵn sàng bôi trơn cơ quan công quyền để công việc trôi chảy, làm sao PCTN được?”, ĐB Đặng Văn Xướng phát biểu.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng so với yêu cầu, hiệu quả PCTN cũng như phòng chống tội phạm hiện nay chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân là chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ngành kiểm sát, tòa án quá thấp, không thu hút được người giỏi. Mặt khác, tội phạm xuyên biên giới ngày càng nhiều, càng mở rộng hội nhập thì càng phải phát triển hợp tác tương trợ pháp lý đối với các nước. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng liên quan đến nước ngoài đòi hỏi phải có tương trợ tư pháp tốt mới xử lý tốt được.

ĐB Nguyễn Đình Xuân cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ nêu số vụ tham nhũng thấp hơn không có nghĩa là tham nhũng giảm, thực tế vẫn còn rất nghiêm trọng. “Để PCTN hiệu quả, tôi đề nghị phải thực hiện công bố tài sản, thu nhập của cán bộ. Cán bộ cấp càng cao càng phải công bố công khai để nhân dân được biết, được giám sát, nếu không sẽ không bao giờ có câu trả lời với nhân dân về những tài sản kếch sù của cán bộ”, ĐB Nguyễn Đình Xuân đề xuất. Ông cũng cho rằng, muốn cán bộ trong sạch phải tăng lương, tinh gọn bộ máy.

  • Kiên quyết hơn nữa với các loại tội phạm

ĐB Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên - Huế) lo ngại vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định chính trị, tình hình tội phạm gia tăng, phức tạp. Ông cho rằng, công tác phòng ngừa hiện nay của các cấp, các ngành còn hạn chế. Nhiều loại đối tượng tội phạm xuất phát từ các nguyên nhân xã hội: đạo đức xã hội xuống cấp, ảnh hưởng của game online, gia đình buông lỏng quản lý... Để hạn chế tội phạm, ngoài trách nhiệm của công an, cả xã hội, từng gia đình phải vào cuộc. Theo ĐB Nguyễn Thanh Toàn, hiện đã có quy định, nếu để con em vi phạm pháp luật, cha mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới nên Chính phủ cần triển khai nghiêm để giảm đối tượng tội phạm. ĐB Nguyễn Thanh Toàn cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đánh giá dư luận xã hội và cử tri cho rằng cơ quan điều tra thiếu tích cực, có biểu hiện chùng tay trước xử lý tội phạm, “năm nay số vụ án bị khởi tố giảm 12%. Cần xem xét lại vấn đề này”.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) bổ sung, ngành công an cần kiên quyết hơn nữa với các loại tội phạm, làm sao để người dân đưa con đến trường, ra đường không còn cảm thấy nguy hiểm. Số tội phạm lẩn trốn ngoài xã hội còn nhiều. “Có đối tượng móc túi trên xe buýt bị người dân bắt quả tang, giao cho công an thì lại được thả, vì số tiền móc túi chưa đến 2 triệu đồng, người dân rất không yên tâm. Có một số đối tượng phạm tội được tha rất khó hiểu. Tâm nguyện của nhân dân, của cử tri là lực lượng công an hiện nay rất đông, các đồng chí cần làm tốt nhiệm vụ hơn nữa”, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói.

“Bạo lực học đường, người phạm tội ở độ tuổi rất trẻ, thậm chí vị thành niên. Tôi không muốn vẽ ra bức tranh ảm đạm về việc này. Nhưng nhìn chung chúng ta đang thiếu sân chơi, thiếu cán bộ quản lý đối với lứa tuổi này. Các cháu chơi gì, ở đâu? Trong khi phim ảnh, ca sĩ ăn mặc hở hang, quằn quại, khi hát xong thì quần áo ở lại trên sân khấu… đó là một trong nguyên nhân khiến tình hình phạm tội vẫn có chiều hướng gia tăng”, ĐB Trần Thị Dung phát biểu thêm.

Một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng một số cán bộ ngành công an sử dụng vũ lực không phù hợp gây ra những cái chết ngoài ý muốn, ngành công an cần xem lại cả về giáo dục kỹ năng hoạt động của các cán bộ, chiến sĩ cũng như việc trang bị các thiết bị.

PHAN THẢO – ANH THƯ

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước). Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10% số bị can cùng kỳ năm trước). Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo (giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo cùng kỳ năm trước).

Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là 193,5 tỷ đồng, 516,8ha đất; đã thu hồi được 156,4 tỷ đồng, 432,1ha đất; số còn lại đang tiếp tục thu hồi.

Báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp về vấn đề này nhận định: Tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít. Các vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở, bị can bị khởi tố là cán bộ xã phường chiếm tỷ lệ cao (nhưng số tiền chiếm đoạt không nhiều). Trong khi đó, số người bị phát hiện và khởi tố ở cấp Trung ương rất ít, song số tiền chiếm đoạt rất lớn. Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, kết quả trên khiến dư luận xã hội và cử tri cho rằng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng còn thiếu quyết liệt.

 

Tin cùng chuyên mục