Tham vọng quân sự hóa vũ trụ của Mỹ

Tham vọng quân sự hóa vũ trụ của Mỹ

Trung Quốc thử nghiệm tên lửa phá hủy vệ tinh, Ấn Độ triển khai kế hoạch quốc phòng không gian..., những sự kiện đó đầu năm 2007 đều bị phản ứng gay gắt từ phía Mỹ và một số nước phương Tây. Trong khi trên thực tế, Mỹ từ lâu đã bí mật xúc tiến nhiều dự án “vũ khí vũ trụ” với tham vọng giành quyền bá chủ không gian. Xu hướng này cho thấy, khoảng không vũ trụ có thể trở thành nơi diễn ra cuộc chạy đua vũ trang mới.

  • Phản ứng gay gắt để... giành quyền
Tham vọng quân sự hóa vũ trụ của Mỹ ảnh 1
Cuộc chiến trên vũ trụ không còn là chuyện xa vời?

“Bất cứ quốc gia cũng như tổ chức phi chính phủ nào cũng không thể có ảo tưởng rằng, nước Mỹ có thể dễ dãi thừa nhận quyền sử dụng vũ trụ của họ”. Tuyên bố khá gay gắt này là của Robert Josef, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về kiểm soát vũ trang và an ninh quốc tế, vào ngày 13-12-2006, tại một hội nghị bàn tròn chính sách quốc gia về vũ trụ của Mỹ do Viện Nghiên cứu George Marshall tổ chức. Ông Josef còn nhấn mạnh, một vài quốc gia đang nỗ lực chế tạo các phương tiện “tấn công và tiêu diệt các hệ thống vũ trụ của Mỹ”.

Các nhà quan sát nhận xét, những tuyên bố kiểu trên nhằm “rào trước đón sau” cho kế hoạch chế tạo máy bay vũ trụ của Mỹ, đã được Lầu Năm Góc bí mật triển khai từ vài năm qua.

Một số kế hoạch trước đây hàng chục năm, thời “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” của Reagan, nay đã “hồi sinh” trong chiến lược vũ trụ mới của Washington. Chẳng hạn, không quân Mỹ đang chế tạo một loại máy bay vũ trụ cỡ nhỏ có thể tiêu diệt nhanh và hiệu quả các vệ tinh cùng nhiều đối tượng trên vũ trụ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không vũ trụ, một thiết bị phục vụ đơn thuần cho mục đích quân sự được chế tạo. Máy bay này cũng sẽ được sử dụng để bảo vệ các vệ tinh nhân tạo và cơ sở hạ tầng không gian của Mỹ.

Đó là chưa kể loại máy bay vũ trụ có thể mang theo cả vũ khí hạt nhân để tấn công các mục tiêu dưới đất. Ưu điểm rất lớn của máy bay này là thời gian phóng tên lửa hay bom tới mục tiêu chỉ có vài phút. Chúng cơ động rất nhanh ở các quỹ đạo khác nhau, nên phải có vũ khí đặc biệt mới tiêu diệt được. Một yếu tố nữa là việc máy bay vũ trụ lơ lửng trong không gian, trên một quốc gia nào đó luôn được xem là hợp pháp, nên việc xác định mục tiêu trên lãnh thổ một quốc gia khác là chuyện... cực kỳ đơn giản.

  • Xu hướng không thể tránh khỏi?

Theo các tài liệu của Lầu Năm Góc, chi phí chế tạo các hệ thống tấn công trên vũ trụ trong năm 2007 sẽ ngốn khoảng 1 tỷ USD, nhưng thực tế còn lớn hơn rất nhiều do các chương trình bí mật.

Lầu Năm Góc cho rằng, cuộc chiến giành quyền kiểm soát vũ trụ đang là một ưu tiên quan trọng nhất trong chính sách bảo đảm an ninh quốc gia của Mỹ và xu hướng quân sự hóa vũ trụ là “không thể tránh khỏi” trong vòng 10 đến 15 năm tới. Thắng lợi trong cuộc chiến này sẽ đảm bảo cho nước Mỹ có được ưu thế lớn về kỹ thuật cũng như quân sự trước các đối thủ trong tương lai.

Washington từ nhiều năm nay đã nhiều lần khẳng định về sự cần thiết phải triển khai các phương tiện quân sự trên khoảng không gian gần trái đất. Đầu năm 2004, Lầu Năm Góc đã xây dựng một tài liệu rất quy mô là “Kế hoạch chuyển đổi bay của không quân”, trong đó các ý tưởng về một cuộc chiến trên vũ trụ đã được thể hiện rất đầy đủ và chi tiết, gồm cả việc phát triển các hệ thống và phương tiện.

Trên bình diện thế giới, Washington đang tìm mọi cách thuyết phục đồng minh NATO về quyền có thể đơn phương đưa ra quyết định, quốc gia nào được sử dụng không gian vũ trụ, quốc gia nào bị cấm... Đề xuất này đang vấp phải sự phản đối từ ngay các nước đồng minh của Mỹ. Thực tế này đã khiến tư lệnh không quân Mỹ phải cảnh báo, Mỹ sẽ không chấp nhận “bất cứ sự phủ quyết nào” đối với chiến lược vũ trụ mới của mình.

LINH NGA (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục