“Thần đồng” có nguy cơ thất học

Ở quận Bình Tân (TPHCM), có một em nhỏ được coi là “thần đồng” khi chưa đầy 3 tuổi đã biết đọc, mặc dù chưa được học chữ ngày nào. Đó là bé Nguyễn Quốc Khánh, ngụ khu phố 7, phường Tân Tạo A. Nhưng vì ba bị mù 2 mắt, mẹ khuyết tật 2 chân, nhà lại nghèo và không có điều kiện đưa con đến trường, nên “thần đồng” có nguy cơ thất học.
“Thần đồng” có nguy cơ thất học

Ở quận Bình Tân (TPHCM), có một em nhỏ được coi là “thần đồng” khi chưa đầy 3 tuổi đã biết đọc, mặc dù chưa được học chữ ngày nào. Đó là bé Nguyễn Quốc Khánh, ngụ khu phố 7, phường Tân Tạo A. Nhưng vì ba bị mù 2 mắt, mẹ khuyết tật 2 chân, nhà lại nghèo và không có điều kiện đưa con đến trường, nên “thần đồng” có nguy cơ thất học.

Lần theo con đường đất ngoằn ngoèo băng qua cánh đồng lúa, chúng tôi tìm đến nhà bé Khánh, đúng lúc anh Nguyễn Hoàng Điệp (ba bé Khánh) vừa được bác xe ôm tốt bụng chở đi khám bệnh về.

Thấy có khách, bé Khánh chạy ra mở cửa. Tôi vừa đặt cuốn sổ và chiếc máy ảnh lên bàn, Khánh đã đọc luôn: “Sổ tay công tác”. Nói rồi bé cầm cuốn sách nhạc đọc cho mọi người nghe. Cầm trên tay tờ báo SGGP, Khánh đọc vanh vách  trang đầu tiên từ địa chỉ, số điện thoại liên hệ, cùng các mục tin bài ở trang 1 chỉ trong vòng 15 phút. Giọng đọc của bé trôi chảy và mạch lạc. Về con số, Khánh chỉ thuộc các con số dưới 100. Các số trên 100 Khánh đọc từng số một.

Cụ thể, thông tin “Hơn 5.566 tỷ đồng dự trữ hàng bình ổn tết”, Khánh đọc “Hơn năm chấm năm sáu sáu…”. Trong kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp mới đây, Khánh dẫn ba đi bỏ phiếu và đọc vanh vách tiểu sử từng ứng cử viên cho ba nghe, khiến cho không ít cử tri phải ngạc nhiên và gọi Khánh là “thần đồng”.

“Thần đồng” có nguy cơ thất học ảnh 1

Bé Khánh đang đọc báo cho cha nghe.


Mẹ Khánh, chị Trần Thị Tươi, kể: “Khánh sinh ngày 30-4-2007, trùng với ngày kỷ niệm thống nhất đất nước, nên lúc đầu tính đặt tên cháu là Thống Nhất hay Hòa Bình, nhưng do trùng tên với một số người thân nên cuối cùng anh chị chọn tên Quốc Khánh. Lúc được 34 tháng tuổi, khi qua chơi nhà hàng xóm về Khánh ngồi đọc cuốn sách nhạc của ba. Cả nhà bất ngờ nhưng nghĩ Khánh nghe ba hát hàng ngày nên thuộc lời. Tôi không tin nên chỉ lên cuốn lịch trên tường, không ngờ bé đọc vanh vách từ trên xuống dưới. Ba Khánh vẫn chưa tin nên bảo tôi đi mua tờ báo mới cho cháu đọc, cháu cũng đọc được. Từ đó đến nay, thương con, ngày ngày tôi thường xin sách báo cũ về cho cháu đọc. Hàng xóm cũng thương tình cho ít sách thiếu nhi cũ để cháu đọc. Khánh thích đọc sách nên có ai cho sách là bé ngấu nghiến đọc, khi thì đọc báo cho ba nghe”.

Gia đình Khánh thật sự khó khăn. Ba em bị mù bởi lúc nhỏ trong một lần bạn đập đầu đạn M79 sót lại từ thời chiến tranh, đầu đạn nổ đã làm hỏng hai con mắt của anh. Từ đó, anh cứ luẩn quẩn trong nhà. Hôm nghe đài, biết ở huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang có lớp chữ nổi dạy cho người mù, anh đăng ký. Run rủi thế nào, cô giáo Trần Thị Tươi được cử làm giáo viên dạy anh. Chị Tươi lúc nhỏ cũng bị sốt bại liệt  2 chân. Khi lớn lên chị đi học chữ nổi rồi làm “giáo viên từ thiện” của trường mù huyện nhà. Cùng cảnh tàn tật nên anh chị hiểu nhau hơn và bén duyên vợ chồng.

Ngoài căn nhà do ông bà nội chắt mót xây cho, hiện nay gia đình anh chị vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của phường. Anh Điệp mù, không làm gì ra tiền lại mắc thêm nhiều bệnh về tim, phổi, xoang. Có ngón đàn cổ, anh dạy hai học trò nghèo và người mù trong phường… miễn phí. Chị Tươi với chiếc máy may hàng ngày sửa quần áo cũ cho người dân trong xóm. “Thu nhập chẳng đáng là bao, chỉ đủ tiền gạo, còn tiền chợ được ông bà nội bé Khánh hỗ trợ thêm. Ngặt nỗi ông bà nội cũng nghèo và cũng đã già yếu, không biết cuộc sống sau này sẽ thế nào khi không còn sự giúp đỡ của ông bà. Mới đây phường cho vay 10 triệu đồng làm vốn thì chồng lại ngã bệnh, phải trả tiền thuốc men, chữa trị hết 8 triệu đồng, giờ cũng không biết xoay đâu để trả nữa” – chị Tươi lo lắng.

Tiếp chuyện tôi, anh Điệp lại có nỗi lo khác. Đó là sợ cháu Khánh thất học. “Đến nay Khánh đã hơn 4 tuổi nhưng vẫn không có điều kiện cho Khánh vào học mẫu giáo. Chưa biết sau này vào lớp một, cháu có đi học được hay không khi cả 2 vợ chồng đều tật nguyền, không thể đưa đón con. Nhà nghèo, lo cái ăn hàng ngày còn khó, tiền đâu thuê xe ôm chở cháu đi học. Mong ước của chúng tôi, “thần đồng” không phải như thế này thế kia, chỉ mong sao cháu được đến lớp cùng với bạn bè cùng trang lứa” – anh Điệp ước ao.

HỒ THU – THANH LAM

Tin cùng chuyên mục