
Thần đồng là thiên tài bẩm sinh hay có thể được tạo ra thông qua môi trường thích hợp (sự chăm sóc và dạy dỗ tốt trong gia đình - trường học hay được xã hội quan tâm đúng lúc và đúng mức)? Thử tìm hiểu hiện tượng thần đồng qua lăng kính khoa học…
Sự khác biệt của não bộ thần đồng

Abigail Sin
Abigail Sin bắt đầu biết đọc năm 2 tuổi và hiện 15 tuổi đã được công nhận là thần đồng âm nhạc Singapore với kỹ thuật diễn tấu piano điêu luyện. Sufiah Yusof vào Đại học Oxford (Anh) năm mới 13 tuổi. Còn tại Ấn Độ, Chandra Sekar mới 12 tuổi nhưng đã là sinh viên Đại học Anna; trong khi người đồng hương Tathagat Tulsi đã lấy bằng thạc sĩ năm 12 tuổi và trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ nhất Ấn Độ. Tất cả những em vừa kể không có cách gọi nào khác hơn là thần đồng. Tuy nhiên, thần đồng là gì?
Bằng kỹ thuật quét ảnh não, nhà tâm lý học Mỹ Michael O’Boyle đã chứng minh rằng não bộ thần đồng có nhiều điểm khác biệt so với trẻ bình thường. O’Boyle cho biết hoạt động trao đổi chất bên bán cầu não phải của thần đồng cao gấp 7 lần so với trẻ bình thường. Cần biết rằng bán cầu não phải là nơi tập trung tế bào thần kinh liên quan tư duy và nhận thức, đặc biệt kỹ năng toán học và âm nhạc.

Sufiah Yusof (giữa)
Ảnh quét cũng cho thấy cường độ hoạt động mạnh tại các thùy não trước, nơi đóng vai trò quan trọng trong điều phối mạch tư duy cũng như tăng cường khả năng tập trung. Ở trẻ bình thường, vùng não trên không hề hoạt động khi trẻ được giao thực hiện loạt kiểm tra tương tự (về khả năng toán học hoặc âm nhạc).
Sự khác biệt rõ đến mức có thể so sánh hình ảnh khác nhau giữa cột đèn tín hiệu giao thông với cây Giáng sinh lấp lánh – nhận xét của Michael O’Boyle (giám đốc Trung tâm Morgan thuộc Đại học Melbourne, Australia). O’Boyle tin rằng thần đồng có thể chuyển cực nhanh hoạt động tư duy từ bán cầu não phải sang bán cầu não trái và thậm chí có thể “đóng mạch” để tắt hẳn các nguồn thông tin không cần thiết nhằm giảm thiểu sự phân tâm.
Nói cách khác, thần đồng là trẻ có mức tập trung cực mạnh khi chúng thực hiện thao tác “mở - đóng” mạch trong não và dành hết “hiệu suất tư duy” cho việc đang làm. Não bộ (lý tính) của thần đồng hoàn toàn không giống não bộ trẻ bình thường.
Tuy nhiên, tại sao tài năng của các thần đồng khác nhau còn là một bí ẩn. Vì lý do gì thần đồng âm nhạc lại không giỏi làm toán hay thần đồng toán học lại không bao giờ gõ ra hồn một giai điệu dương cầm? Cần nhấn mạnh, thần đồng không có nghĩa có trí thông minh siêu việt.
Trong vài trường hợp, chỉ số thông minh của thần đồng không cao hơn trẻ bình thường và thậm chí óc sáng tạo (trong hoạt động vui chơi, tinh nghịch) của thần đồng còn kém hơn…
Đề tài “tát mãi không cạn”
Hiện tại, hầu hết khoa học gia cho rằng môi trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của thần đồng. Theo Wu Wu-tien (hiệu trưởng Đại học Giáo dục thuộc Viện Đại học quốc gia Đài Loan), “thần đồng là phân nửa của thiên tài, phân nửa của đào tạo và chủ yếu được phát hiện sớm”.
Khảo sát hiện tượng thần đồng tại châu Á 10 năm qua cho thấy thêm rằng vai trò của phụ huynh rất đáng kể. Trong gia đình trẻ thần đồng, có đầy sách vở và bố mẹ thường đưa con đến viện bảo tàng hay xem hòa nhạc cổ điển. Họ không dùng cách giáo dục áp đặt đồng thời tạo không gian độc lập cho con. Họ khuyến khích khi con đặc biệt ham mê lĩnh vực gì đó.
Cụ thể, có thể nhắc đến trường hợp thần đồng toán học Chandra Sekar. Ông R. Subramanian (bố Chandra Sekar) cho biết mình từng ra sức ngăn cản khi Sekar (lúc mới 6 tuổi) suốt ngày “vọc” máy tính (vì sợ con bị “điện giật”) nhưng rồi cuối cùng chính ông đã tìm thầy tin học dạy cho Sekar khi cậu bé bộc lộ khả năng toán học siêu phàm. Năm 10 tuổi, Sekar đã lấy được bằng Kỹ sư hệ thống chuẩn Microsoft (MCSE), trở thành người trẻ nhất thế giới đạt kỳ tích này. Tuy nhiên, cũng tồn tại tình trạng một số phụ huynh có khuynh hướng ép con “trở thành” thần đồng với chính sách uốn nắn nghiêm khắc thái quá.
Một trong những bí ẩn nữa liên quan hiện tượng thần đồng là tại sao có không ít trường hợp “hoa thần đồng” sớm tàn héo chỉ sau vài năm, trước khi trẻ kịp đến tuổi trưởng thành? Điều gì khiến chúng không tiếp tục linh hoạt và nhanh nhạy? Bởi môi trường không thuận lợi? Bởi không được gia đình đầu tư? Hay bởi đơn giản rằng các tố chất lý hóa (liên quan phát triển tài năng) trong não không còn sản sinh (mà nếu như thế thì do điều gì gây ra)?
Hiện tượng thần đồng, như vậy, tiếp tục là đề tài “tát không cạn” trong giới khoa học.
Phúc Cẩm