Giữa hè, nóng và oi bức, nhưng thành phố Điện Biên Phủ vào tháng 7 trời như buồn hơn bởi những cơn mưa cứ ập đến bất ngờ. Ở vùng đất đã tạo ra sấm sét ngay trên đầu kẻ xâm lược bằng trận đánh “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, những người lính Điện Biên năm xưa và cả người từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng dư âm của những ngày tháng chiến đấu dưới mưa bom bão đạn trước quân thù, vẫn chẳng hề phai nhạt...
Ký ức người lính già
Ở tuổi 81 nhưng ông Nguyễn Hữu Chấp, quê ở Phú Thọ, tham gia trận đánh đồi A1 cách nay 58 năm vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát; tác phong người lính không lẫn vào đâu được. 18 tuổi ông xung phong vào bộ đội nhưng lần nào cũng bị “đuổi về” vì thấp bé, nhẹ cân. Không nản lòng, ông cố tìm cơ hội để được tham gia bộ đội. Dịp may đến thật bất ngờ khi ông Kim Ngọc (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người làm thay đổi cuộc sống người dân nông thôn bằng “Khoán 10”) đến đóng quân ở gần nhà ông và “thương tình” nhận ông vào đội sản xuất. Sau đó ông Chấp được biên chế vào Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, rồi làm Đội trưởng Đội cối 82 ly trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Để tiếp cận được đồi Him Lam an toàn, ròng rã nửa tháng trời, khẩu đội của ông đã vật lộn với bùn đất giữa cái nóng cháy da để đào xong đường giao thông hào dài 5km.
Ngày 13-3-1954, ông nhớ như in, khẩu đội cối 82 ly của đội ông đã được kéo đi bí mật dưới lòng giao thông hào để vào đúng vị trí. “Tôi và đồng đội không bao giờ quên được giây phút chờ nổ pháo. Và rồi cái khoảnh khắc lịch sử ấy không thể quên. 19 giờ, pháo hiệu phát sáng trên bầu trời âm u đã kéo thốc chúng tôi bật dậy hất tung các lớp ngụy trang, vùng lên khỏi giao thông hào và nã những loạt đạn dòn dã, chính xác vào các vị trí địch theo kế hoạch tấn công vào cứ điểm Him Lam”, ông Chấp hào hứng kể. Sau trận đó, khẩu đội của ông lại tiếp tục bước vào những trận đánh mới - phối hợp với đơn vị khác đánh chiếm đồi D1, E1, E2... cho đến ngày chiến thắng cuối cùng 7-5-1954.
Bản thân ông qua nhiều trận đánh, cũng mang thương tích và hiện là thương binh 4/4. Vợ ông là cô TNXP quê ở Hưng Yên gặp nhau nơi chiến trường, giữa khoảng cách giải lao của những trận đánh. Và họ nên duyên chồng vợ. Sau năm 1954, ông và vợ chọn ở lại Điện Biên này. “Sống ở đây, tôi lại nhớ đến những ngày tháng chiến đấu bên những đồng đội, họ như vẫn đang ở quanh đây. Tôi thấy mình cùng những ai còn sống sau trận chiến là quá hạnh phúc. Nhiều đồng đội hy sinh mà nay vẫn là những ngôi mộ vô danh…”, ông Chấp bỏ lửng câu chuyện của mình bằng cái nhìn xa xôi, lặng lẽ.
Người miền xuôi trên núi cao
Ở Điên Biên, nếu tính cựu chiến binh từng tham gia trận đánh Điện Biên Phủ giờ chẳng còn mấy ai. Thế nhưng, ở đây lại có khá đông cựu binh thời chống Mỹ đã chọn vùng đất thiêng này làm chốn quay về sau khi “giã từ vũ khí”. Ông Nguyễn Đình Tâm, 64 tuổi, ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ vốn là người Hưng Hà, Thái Bình. Tháng 5-1968 ông Tâm nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 4 đặc công thuộc Sư đoàn 305. Năm 1969 đơn vị ông được điều động tham gia chiến đấu ở Tây Ninh. Đi bộ ròng rã 3 tháng liền trên các cung đường Trường Sơn vất vả, ông mới vào đến chiến trường Tây Ninh. “Trên đường đi, gặp nhiều đoàn thương bệnh binh đi ngược ra Bắc. Bom đạn, sốt rét rừng quật ngã nhiều người trong đoàn, vào tới nơi, cả tiểu đoàn chúng tôi chỉ còn khoảng 50 người là đủ sức chiến đấu. Lại phải nghỉ ngơi một thời gian, củng cố lực lượng để chuẩn bị chiến đấu...”.
Với nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần của lực lượng đặc công bộ, Tiểu đoàn 4 đặc công của ông Tâm đã khiến quân viễn chinh nhiều phen thất thần khi đối diện với những đội quân “mọc lên từ dưới đất”. Tháng 5-1970, trong trận đánh chiếm cứ điểm Trảng Chanh (Tây Ninh), ông bị thương nặng, hỏng mất một mắt, chân tay bị dập nát và được chuyển ra tuyến sau điều dưỡng. Đầu năm 1971, với thương tật 73% (thương binh loại 3/4), ông Tâm được bí mật chuyển ra Bắc để chữa trị. Sau đó ông được cử đi học ngành giao thông vận tải. Cuối năm 1972 ông được điều động lên Điện Biên Phủ công tác, đến 2006 nghỉ hưu và ông chọn vùng đất này để gắn bó cuộc đời.
Ông Tâm bồi hồi khi có người nhắc lại thời thanh xuân. Ngày ấy, ông kể, cái chết, sự sống của lính đặc công chỉ cách nhau một gang tay. Trận đánh chiếm cứ điểm Trảng Chanh ở Tây Ninh năm đó, nếu không có anh em gồng mình cõng tôi ra khỏi những làn đạn bắn xối xã thì tôi đã chết từ ngày đó rồi”. Ông nói vui, cuộc sống hôm nay của ông là do đồng đội và các y bác sĩ tiền phương ngày đó mang lại. Và ông không giấu tiếng thở dài khi nhắc đến những người bạn đồng hương hy sinh trong chiến trường miền Nam xa lắc đến giờ vẫn “chưa về đến nhà”.
Nụ cười dưới chân Thành cổ
Chuyện của người thương binh Lê Xuân Chinh, 58 tuổi, thương binh 4/4 hiện sống ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ông Chinh là nhân vật trong bức ảnh chiến tranh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị” của nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính.
Sinh ra và lớn lên ở Hưng Hà, Thái Bình; 17 tuổi, ông Chinh xung phong đi bộ đội và trở thành lính thông tin của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nhiệm vụ hàng ngày của ông là đưa các công văn tối mật và dẫn đường cho các chiến sĩ vào Thành cổ. Bức ảnh anh lính trẻ với nụ cười thật tươi dưới chân thành cổ Quảng Trị của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính, được đăng lần đầu là ngày 2-9-1972 trên Báo Nhân Dân.
Trước khi quân ta chính thức rút khỏi thành cổ khoảng 1 tuần (ngày 16-9-1972) thì anh lính trẻ Lê Xuân Chinh bị thương nặng vì bom Mỹ và được chuyển về tuyến sau điều trị. Năm 1974 do không còn đủ sức khỏe để chiến đấu, đơn vị giải quyết cho ông nghỉ an dưỡng rồi ra quân. Sau năm 1975, bức ảnh “Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị” được treo ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị với chú thích là người lính có nụ cười đó đã hy sinh. Hơn 30 năm, trong khi ai cũng nghĩ người chiến sĩ trẻ năm nào đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bi tráng 81 ngày đêm nơi cổ thành đẫm máu thì chiến sĩ ấy đang sống rất nhọc nhằn vì cuộc mưu sinh đầy nước mắt. Bởi chất độc da cam của vùng chiến địa khiến cả ông Chinh và đứa con trai sống khốn khổ, quặt quẹo đau đớn. Trong quá trình dọn nhà đi lại nhiều nơi, tất cả giấy tờ chứng minh nhân thân và thương tật của ông lại bị mất hết nên ông không thể hưởng bất cứ một chế độ nào dành cho thương binh suốt mấy chục năm ròng.
Cuối năm 2002, một đồng hương của ông Chinh vào thăm Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, khi nghe thuyết minh người chiến sĩ trẻ cười lạc quan ở chân thành cổ đã chết, ông la lên “Tôi biết nhân vật này và anh ta đang còn sống ở trên Điện Biên”. Sau đó là hành trình tìm lại ông Chinh của đồng đội cũ, của Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị và của cả nhà báo Đoàn Công Tính.
Sau 30 năm bị lãng quên, ông Chinh không chỉ tìm lại được nụ cười của mình mà còn tìm lại được hồ sơ quân nhân, lấy được thẻ thương binh. Nhưng qua giám định y tế, ông cũng phát hiện mình nhiễm chất độc da cam. Năm 2004, Quân y Viện Trung ương 108 đã tặng ông căn nhà tình nghĩa, điều mà gia đình ông suốt mấy chục năm qua có “nằm mơ cũng không thấy”. Ông được đơn vị cũ, đồng đội tạo điều kiện trở lại chiến trường xưa. “Trở lại Thành cổ, nhìn lại những dấu vết chiến tranh nơi đó tôi đã bật khóc. Những đồng đội tôi ngày xưa đã nằm lại đây, dưới dòng sông Thạch Hãn ấy… Tôi không thể nghĩ có lúc được trở lại nơi chiến trường xưa để thắp một nén nhang cho đồng đội”, ông Chinh nói giọng bùi ngùi.
* * *
Nghĩa trang A1 những ngày tháng 7 thật nhiều hoa tươi và những nén nhang cháy đỏ lập lòe trong gió. Trừ 4 ngôi mộ lớn có tên các anh hùng, liệt sĩ: Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót và Trần Can, thì có 600 ngôi mộ lặng lẽ không tên, tuổi. 32 tấm bia đồng chạy dài theo hai bên tường nghĩa trang A1 hẳn chưa ghi chép đầy đủ tên những người đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Theo chị Lò Thị Thoa, cán bộ Phòng LĐTB-XH tỉnh Điện Biên, con số hơn 5.000 liệt sĩ đã được ghi nhận là chưa đủ bởi các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục xác định thêm những trường hợp hy sinh ngày ấy.
Chiều ở Điện Biên tháng 7 sao buồn thế. Dông gió kéo về ào ào và mưa ập đến mù trời. Đến bao giờ tất cả các chiến sĩ của những đại đoàn xưa sẽ tập trung đủ về đây, bên nhau như những ngày tháng 5 lừng lẫy xưa…
Trần Lưu - Phương Thục