Tháng hai có 5 ngày!

Đó là nhẩm tính của những người đi làm công sở, cho những ngày được coi là làm việc thật sự trong tháng hai này. Kỳ nghỉ tết kéo dài 10 ngày, nhưng đa phần đã “nghỉ” ở tuần trước tết. Nghỉ xong, giờ còn bận chúc tụng, xông đất, hỏi chuyện tết nhất và… cụng ly chúc mừng năm mới.

Đấy là chưa kể nhiều cơ quan còn chơi luôn xe biển xanh kéo bầu đoàn thê tử đi lễ chùa, đình, miếu. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Ra giêng mà không chứng tỏ lòng thành thì cả năm xui. Người ta rủ nhau nghĩ thế và làm y chang thế.

Có chuyên gia dẫn số liệu thống kê để bảo rằng, thu nhập trung bình đầu người của xứ ta đang nằm trong nhóm thứ nhì từ dưới đếm lên của thế giới. Từ mức 1.000 “đô”/năm mà ngoi lên cỡ 3.000 “đô”/năm thì cũng còn mướt mồ hôi. Thế là chuyện “chơi xả láng, sáng về sớm” vẫn cứ thịnh. Còn vài bữa nữa là hết tháng hai, nhưng cái câu “tết mà” vẫn đậu thường trực trên môi thì mới kỳ.

Nhưng cũng có người cắc cớ tính ngược lại: lấy mức thu nhập bình quân một năm chia cho 12 tháng; rồi lấy số ngày làm việc của tháng chia cho thu nhập trong tháng đó. Như vậy thì mỗi ngày làm việc của tháng hai dứt khoát là có thu nhập cao nhất trong năm! Kết luận hài hước là “càng làm biếng thì năng suất càng cao”.

Vậy cớ gì mà không phát huy tiếp kinh nghiệm “một tháng có 5 ngày”?!

TƯ QUÉO

Tin cùng chuyên mục