
Ngày 22-7, tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa diễn ra cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn, được các nhà phân tích chính trị đánh giá là “quan trọng nhất” tại quốc gia này trong vòng 25 năm qua.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một nước Hồi giáo?

Thủ tướng Tayyip Erdogan (phải)
Bầu cử quốc hội tại Thổ Nhĩ Kỳ theo dự kiến đến tháng 11 tới mới diễn ra. Tuy nhiên, thời hạn trên đã được rút ngắn sau khi xung đột giữa đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thủ tướng Tayyip Erdogan và phe đối lập đã lên tới đỉnh điểm. Nguyên nhân bắt nguồn từ những mâu thuẫn sâu sắc về vấn đề ứng cử viên tổng thống.
Theo hiến pháp, người đứng đầu quốc gia sẽ do quốc hội bầu chọn. AKP (chiếm đa số trong quốc hội) đã đề cử người đứng đầu Bộ Ngoại giao Abdullah Gul, một trong những thủ lĩnh của mình ra tranh cử. Phe đối lập lại cho rằng, AKP nếu vừa nắm chính phủ, vừa thành công trong việc đưa ứng cử viên của mình trở thành tổng thống, rất có thể sẽ phá vỡ các nguyên tắc phi tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng nghĩa với việc nước này trở thành một quốc gia Hồi giáo.
Còn nhớ trước đó, nội các của Erdogan từng có nhiều nỗ lực nhằm mở rộng việc giảng dạy về đạo Hồi tại các trường học. Bản thân vị thủ tướng này ủng hộ quan điểm cho rằng, việc không chung thủy trong gia đình cần phải được trừng phạt như một tội hình sự, đồng thời khuyến khích việc ngăn cấm sử dụng rượu và các thức uống có cồn. Lúc đó, các quan chức đại diện phe đối lập đã phải lên tiếng cảnh báo: “Hôm nay, họ (tức các thành viên Hồi giáo của AKP) đang quyết định chúng ta cần phải uống cái gì, đến ngày mai sẽ bắt tất cả các phụ nữ của chúng ta phải che mặt cũng như phải tuân theo các luật Hồi giáo”.
Kết quả là trong cả hai lần bỏ phiếu phê chuẩn (vào ngày 27-4 và 6-5), ứng cử viên duy nhất Abdullah Gul của AKP đã không thể giành đủ đa số phiếu cần thiết để trở thành tổng thống. Phe Hồi giáo cũng cương quyết không chịu nhượng bộ nên đã thông qua quyết định giải tán và bầu cử lại quốc hội trước thời hạn.
Tiềm ẩn những nguy cơ mới
Cũng phải thừa nhận rằng, trong 5 năm làm thủ tướng của mình, ông Erdogan đã giúp nâng cao đáng kể uy tín của AKP. Cụ thể là phe Hồi giáo đã đạt được những thành công không nhỏ trong kinh tế, với mức độ tăng trưởng trong vài năm gần đây chưa bao giờ dưới 7%. Trong khi tỷ lệ đầu tư nước ngoài tăng nhanh đã giúp giải quyết về cơ bản vấn nạn lạm phát. Ngoài ra, Thủ tướng Erdogan cũng đang điều hành suôn sẻ những cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU), một mục tiêu mà Ankara đã phấn đấu trong suốt nhiều năm.
Tất cả những tiền đề đó đã khiến cho AKP đặt nhiều hy vọng có thể tăng đáng kể số ghế của mình tại quốc hội. Những kết quả đầu tiên được công bố cho thấy, AKP đã giành được khoảng 47% số phiếu, tăng đáng kể so với cuộc bầu cử năm 2002 (chỉ được 34% số phiếu bầu). Hai đảng đối lập hàng đầu khác cũng giành được trên 10% số phiếu bầu trên chính trường (điều kiện để có đại biểu trong quốc hội) là CHP và MHP chỉ giành được tổng cộng hơn 30% số cử tri ủng hộ. Điều này có nghĩa là AKP có khả năng nắm được khoảng 340 trên tổng số 550 ghế tại quốc hội, một tỷ lệ đủ để thành lập một chính phủ đơn đảng. Nhưng đúng như các kết quả dự báo từ trước, đây có thể coi là một chiến thắng “không trọn vẹn” của AKP. Đơn giản là tỷ lệ trên vẫn không đủ cho AKP có thể dễ dàng thông qua mọi đạo luật dự thảo trong quốc hội mới (phải có từ 2/3 số phiếu ủng hộ trở lên).
Bất chấp thắng lợi không nhỏ của AKP trong cuộc bầu cử vừa qua, giới quan sát đa phần vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng thực thi các thay đổi trên. Theo ý kiến chung, phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ trước việc “Hồi giáo hóa” xã hội trong thời gian gần đây đã có được một nỗ lực thống nhất cao chưa từng thấy, nên vẫn đủ khả năng phủ quyết bất cứ đạo luật dự thảo nào của Chính phủ Erdogan. Cho dù trên thực tế, các đảng đối lập vẫn rất khó có thể vượt qua được AKP trong thời gian sắp tới. Thực trạng giằng co trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm hiện tại chắc chắn là dấu hiệu tiềm ẩn của những cuộc khủng hoảng mới trong tương lai. |
HỒNG SƠN (tổng hợp)