Thăng Long tỏa sáng ngàn thu

Dẫu hối hả cuộc sống đời thường hay phải bươn chải mưu sinh, nhưng những ngày này muôn triệu con dân cả nước, người Việt ở nước ngoài không thể không hướng về Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam độc lập, dân chủ, hiện đại, đang bước vào đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

1.000 năm từ khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt, 55 năm sau ngày giải phóng thủ đô và gần 2 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội hôm nay là niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân nước Việt; trở thành vùng đất linh thiêng, trái tim của cả nước; tiêu biểu cho bản sắc văn hóa ngàn năm văn hiến Việt Nam.

Hà Nội còn là biểu trưng cho sức sống, sự phát triển của đất nước. Từ một thành phố nhỏ bé (130km² với 40 vạn dân), lạc hậu về mọi mặt, kinh tế kiệt quệ thời hậu chiến, ngày nay Hà Nội từng ngày lột xác, trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, có diện tích 3.344 km² với số dân 6,5 triệu người. Có thể nói so với Thăng Long xưa, Hà Nội nay có tâm thế rất khác, đã đi lên mạnh mẽ cùng tiến trình phát triển của đất nước, có đầy đủ thế và lực để nắm bắt vận hội mới, hội nhập với các đại đô thị trong khu vực.

Những ngày này người ta có dịp quan sát, chiêm nghiệm Hà Nội kỹ hơn. Và với đà phát triển ấy, khó có thể hình dung Hà Nội 20 - 30 năm nữa. Các công trình mới mọc lên, hoàn thiện, vỡ vạc từng ngày như khoác lên Hà Nội bộ áo mới ngày càng tươm tất hơn. Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 không riêng người Hà Nội mà nhân dân cả nước rất quan tâm. Bởi lẽ, người dân rất muốn chung tay, hiến kế xây dựng một thủ đô to đẹp hơn nữa, phát triển theo hướng bền vững. Hà Nội phải là một thành phố văn minh, hiện đại, có mảng xanh thân thiện môi trường; đồng thời vẫn bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa riêng của đất Thăng Long ngàn năm, tạo nên bản sắc riêng vốn có.

Cũng như các đại đô thị khác, Hà Nội đang đối mặt với bài toán khó về quản lý và quy hoạch phát triển trong điều kiện quy mô thành phố tăng gấp nhiều lần so với trước đây và đang đối mặt với vấn nạn ách tắc giao thông, ngập nước, quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội… Để phát triển thủ đô trong giai đoạn mới đòi hỏi những người quản lý không những tinh thông chuyên môn mà còn phải có tư duy và tầm nhìn dài hạn mang tính chiến lược. Tiêu chí mới của thế giới đánh giá đô thị phát triển bền vững là: cạnh tranh tốt, cuộc sống tốt, tài chính lành mạnh, quản lý tốt; nâng cao cuộc sống cộng đồng, không để lại gánh nặng đối với thế hệ tương lai. Đó cũng là cách ứng xử để Thăng Long - Hà Nội mãi trường tồn trong tâm thức người Việt.

“Thiên đô chiếu” của vua Lý Công Uẩn ban năm 1010 đã mở ra kinh thành Thăng Long với thế đất “rồng cuộn hổ ngồi”, mang đậm bản sắc văn hóa ngàn năm văn hiến. Và ngày nay, văn hóa được nhìn nhận là nền tảng tinh thần của xã hội, là một thứ sức mạnh vật chất tạo nên giá trị lâu bền của một quốc gia, tính cách của một dân tộc. Nét văn hóa riêng sẽ không làm dân tộc đó hòa tan, mất gốc rễ. Bởi vậy, những ngày này người dân hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội còn là hướng về cội nguồn dân tộc với ước vọng quốc gia thịnh trị, dân tộc trường tồn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và trong tâm thức mỗi người Việt đều mong mỏi Thăng Long - Hà Nội mãi mãi tỏa sáng ngàn thu.

Lê Tiền Phong

Tin cùng chuyên mục