Ngay trong buổi tổng kết chương trình CNTT-GIS giai đoạn 2006-2010, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) ĐH Quốc gia TPHCM và Trung tâm Nghiên cứu và triển khai, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP A&D Center) đã công bố 2 công trình nghiên cứu đáng chú ý.
Đầu tiên là công trình chế tạo linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (QCM) ứng dụng trong sinh học do Sở KH-CN TPHCM đầu tư, các nhà khoa học, kỹ sư của ICDREC và SHTP A&D Center cùng hợp tác nghiên cứu, chế tạo.
Việc chế tạo thành công QCM có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là loại linh kiện có khả năng kiểm tra, phát hiện sự phân bố khối lượng rất nhỏ (cỡ nanogam của chất, virus… trên một đơn vị diện tích điện cực nhờ đo được sự thay đổi tần số của bộ dao động cộng hưởng thạch anh.
Nhờ có linh kiện QCM, các nhà khoa học có thể chế tạo các thiết bị đo đạc vi khuẩn, kiểm soát nồng độ chất có hại… phục vụ công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác khám và điều trị bệnh trong ngành y tế.
Cũng từ thành công của dự án QCM, ICDREC và SHTP A&D Center đã lập tức tiến hành chế tạo bộ kit phát hiện vi khuẩn E.Coli O157-H7, một loại vi khuẩn có rất nhiều trong tự nhiên, trong đường ruột người, động vật… gây các bệnh nguy hiểm cho người như tiêu chảy, ngộ độc, hư thận…
Bộ kit này đã được thử nghiệm rất thành công: độ chính xác cao, phát hiện và phân tích kết quả nhanh, dễ sử dụng, gọn nhẹ, giá rẻ (khoảng 200 USD), hứa hẹn sẽ thay thế phương pháp kiểm tra trong phòng thí nghiệm tốn thời gian, kinh phí… trong phòng thí nghiệm.
Hiện ICDREC và SHTP A&D Center đang hợp tác cùng Trung tâm Y tế quận 4, TPHCM kiểm tra các mẫu chất gây bệnh trong thực phẩm, môi trường.
PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM đánh giá, việc chế tạo thành công linh kiện QCM là một thành tựu lớn, nhất là khi các nhà khoa học hoàn thành linh kiện và bộ Kit trong vòng chưa đầy 1 năm. Sắp tới, Sở KH-CN TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ, đầu tư vào hai đơn vị phát triển các kết quả nghiên cứu QCM, hướng tới ứng dụng sản xuất được nhiều bộ kit trong nhiều lĩnh vực khác.
Đại diện nhóm nghiên cứu cũng khẳng định, tiếp sau thành công này, nhóm sẽ tiếp tục chế tạo các bộ kit phục vụ công tác khám và điều trị bệnh; chế tạo thiết bị kiểm tra người nghiện ma túy với độ chính xác cao…
Không giống các sản phẩm điện tử khác như chip vi xử lý, thẻ RFID… (được thiết kế tại Việt Nam rồi gửi các bản thiết kế ra nước ngoài để chế tạo), QCM và kit cảm biến sinh học hoàn toàn được chế tạo ngay tại Việt Nam.
Điều này đã chứng tỏ cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm… ở nước ta ngày càng đầy đủ, sự liên kết, hợp tác giữa các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu ngày càng chặt chẽ, sâu rộng… hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy KH-CN phát triển mạnh mẽ hơn.
Kiên Giang