Thành phố bông lau trắng

Cứ mỗi độ mùa thu sắp bước qua để nhường cho mùa đông, Đà Nẵng lại bước vào những ngày lãng mạn nhất trong năm. Ấy là thời điểm TP cuối sông, đầu biển này đón mùa hoa lau nở rộ trắng tinh khôi.
Thành phố bông lau trắng

Cứ mỗi độ mùa thu sắp bước qua để nhường cho mùa đông, Đà Nẵng lại bước vào những ngày lãng mạn nhất trong năm. Ấy là thời điểm TP cuối sông, đầu biển này đón mùa hoa lau nở rộ trắng tinh khôi.

Hoa lau nở trắng ven những con đường ngang dọc của đô thị, trải dài ngút ngàn trên những cung đường vòng vèo ẩn mình dưới những tán cây rừng xanh thẳm lên đỉnh núi Sơn Trà thơ mộng vút cao tận Hải Vân hùng vĩ… Hơn hết, mùa lau về, người dân miền Trung như trút đi được gánh nặng bởi sự lo âu về những trận bão lũ có sức tàn phá ghê người.

Một vạt lau trên đất nền dự án “treo” cạnh chân cầu Thuận Phước là nơi yêu thích của nhiều bạn trẻ có nhu cầu chụp hình. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Lau trắng báo tin vui

Tháng 11-2013, cơn bão Haiyan (Hải Yến), cơn bão được cho là mạnh nhất trong lịch sử loài người, tràn qua Philippines. Khoảng 10.000 người có thể đã mất mạng khi siêu bão Haiyan cuồng nộ, nhiều ngôi làng, TP bị san phẳng… Sau khi quét qua Philippines, cơn bão vẫn giữ nguyên sức gió và đi vào biển Đông, nhằm hướng Việt Nam trực chỉ, trong đó hướng mũi tên vào miền Trung.

Có ở cái dải đất mà nhạc sĩ An Thuyên đã dành những ân tình sâu nặng của mình để chắt lọc ra những ca từ dung dị, mộc mạc như tính tình vốn có của người miền Trung để đi đến sâu thẳm những  sẻ chia và cảm thông đến thế: “Đường về miền Trung dông bão lắt lay, ngọn đèn xóm vắng vẫn thắp thâu đêm, mẹ ngồi vá áo mai con đến trường, mẹ ngồi vá áo bụi bay giọt sương…” mới cảm nhận được phần nào cái “lắt lay” của phận người mỗi mùa bão lũ tràn về.

Thời điểm cơn bão Hải Yến vần vũ, gào thét, gầm gừ ngoài biển, cả dải đất dài miền Trung chập chờn trong cơn thức ngủ. Ánh mắt như sắc hơn, sâu hơn để được nhìn xa hơn ra hướng bão; như mệt mỏi hơn sau mỗi đêm dài hằn những âu lo… Căng mình chèn chống nhà cửa, sơ tán dân và không quên cầu mong cho siêu bão tan nhanh ngoài biển để không có cảnh nhà đổ nát, người ly tan, ruộng đồng xác xơ, hoa màu đổ nát…

Tất bật ngược xuôi, đôn đáo thi gan với siêu bão, gần như không ai còn thời gian và tâm trí để ý đến một hiện tượng tự nhiên đang âm thầm đem tin lành đến với từng đường làng, ngõ phố. Đó là những bông lau đã âm thầm nở rộ. Để rồi, khi cơn bão vẫn đang còn “đánh võng” ngoài đại dương mênh mông với sức gió giật ghê người, những người dày dạn về tuổi tác, kinh qua nhiều mùa bão lũ và ngay cả những người làm khí tượng thủy văn có kinh nghiệm cùng lúc đã thốt lên: “Lau nở thì hết bão lũ mưa gió, đây là điềm lành hiếm hoi”.

Thật ra, họ thừa nhận chỉ biết đó là kinh nghiệm dân gian của bao đời ông bà ta đúc kết qua nhiều mùa mưa bão. Ấy thế mà thật. Cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp ấy có lẽ thấy “ngàn lau cười trong nắng”  nên khi cách đất liền gần 400km thì đổi hướng ra phía Bắc và quét qua sườn của Hải Phòng - Quảng Ninh rồi đi vào địa phận Trung Quốc. Cả miền Trung thở phào nhẹ nhõm. Bông lau, từ đận ấy, đem giá trị về niềm tin tuyệt đối là “khắc tinh” của cơn bão chưa từng có trong lịch sử loài người.

Không chỉ riêng cơn bão Hải Yến, trước đó, cũng trong tháng 11-2013, cơn bão Kosana được nhận định là đổ bộ vào miền Trung cũng thời điểm lau bắt đầu bung xác trắng. Vậy là, những “dự báo” bão sẽ không vào đất liền khi lau đã nở đã thành hiện thực… Đã gieo vào lòng người miền Trung một niềm tin được dân gian để lại mang tính siêu nhiên nhưng rất hiện thực.

Dự án “treo” mang lau về phố

Nguyễn Quốc Đạt (37 tuổi), quê Đà Nẵng vào TPHCM học Đại học Kiến trúc. Ra trường, ở lại TPHCM công tác ngót nghét hơn 10 năm. Nay trở về Đà Nẵng, Đạt đi một vòng TP để thấy những đổi thay ngoạn mục trong những năm anh rời xa quê nhà, nhất là về kiến trúc và quy hoạch. Trên đường thưởng lãm, đến góc đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương, ngay cạnh cổng vào sân bay quốc tế Đà Nẵng, trong thửa đất rộng có hàng rào thép che chắn đã hoen gỉ, những bông lau trắng phất phơ trong gió chiều. Một nhóm bạn đang tranh thủ đem áo quần, máy móc thiết bị lỉnh kỉnh để chụp hình. Ở một vị trí khác, cũng mặt bằng dự án đã bỏ hoang, lại bắt gặp một nhóm học sinh trong áo dài trắng thướt tha thay nhau “chui” vào những bụi lau tạo dáng...

Đạt buông lời: “Quy hoạch của Đà Nẵng bài bản quá. Giữa những tòa nhà bê tông cao chót vót, cái thô cứng của những cây cầu sắt, bê tông, nóng nực của đô thị thiếu cây xanh được khỏa lấp đi bằng những “công viên” hoa lau mềm mại khiến TP lãng mạn”. Tôi bất ngờ vội thanh minh là không phải những bãi đất đó được quy hoạch cho công viên hay hoa lau, mà là dự án “treo” bất động hàng chục năm nên hoa lau… tranh thủ nở rộ khi vào mùa. Đến lượt Đạt mắt chữ O, miệng chữ A… bật ngửa.

Tôi đưa Đạt đến một số dự án đất vàng ngay tại trung tâm cũng như ngoại vi không xa TP để chiêm ngưỡng những dự án… hoa lau. Là dự án đầu tiên nằm trên tuyến đường từ trung tâm TP Đà Nẵng lên đỉnh núi Sơn Trà, Khu Du lịch phức hợp Bãi Bụt do Công ty cổ phần Hải Duy (TPHCM) làm chủ đầu tư với tổng vốn 300 tỷ đồng. Được khởi công xây dựng từ tháng 4-2004, nơi đây dự kiến trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế vào năm 2007. Thế nhưng, hơn 10 năm đã trôi qua, chủ đầu tư chỉ xây dựng mỗi hàng rào bê tông kiên cố bao quanh để giữ đất, mặc cho UBND TP Đà Nẵng đã 2 lần ra tối hậu thư đòi thu hồi dự án. Bây giờ, mặt bằng dự án là thiên đường của… bông lau.

Ngay tại trung tâm TP, dự án tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers nằm ở khu đất vàng 3 mặt tiền Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh - Yên Bái. Dự án có tổng vốn đầu tư 180 triệu USD do Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông làm chủ, đã qua 5 lần UBND TP Đà Nẵng ra tối hậu thư và qua gần 6 năm bị treo, hiện trường công trường là 5 cọc bê tông khoan nhồi “cắm dùi” giữ đất và cũng là... thiên đường của hoa lau.

Ngay cạnh dự án này là dự án khu phức hợp Danang Center có mặt tiền Hùng Vương - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thị Minh Khai. UBND TP Đà Nẵng đã nhiều lần ra tối hậu thư đôn đốc, nhắc nhở triển khai xây dựng, nhà đầu tư đã đào móng, đóng cọc nhưng chưa thi công nên trở thành hố nước tù đọng làm nơi sinh sản cho muỗi. Xung quanh lại là những bụi lau xanh ngút ngàn với những bông trắng toát như điểm xuyến cho dự án thê thảm hơn.

Có một dự án cũng ngay tại trung tâm của đô thị Đà Nẵng, là dự án sân vận động Chi Lăng, rộng chừng 5,5ha, được Tập đoàn Thiên Thanh bỏ tiền ra mua trọn diện tích. Nay, nhiều lãnh đạo của tập đoàn này bị khởi tố, bắt tạm giam… Ai dám chắc sân vận động này khi không được sử dụng sẽ không tiếp tục là thiên đường của lau?

Giải thích về những dự án “trùm mền” quá lâu này, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng diễn ra giữa tháng 7 vừa qua, khẳng định, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã thống nhất từ nay đến cuối năm 2014, các chủ đầu tư phải ký cam kết triển khai xây dựng. Nếu đến quý 2-2015 không triển khai, UBND TP Đà Nẵng sẽ kiên quyết thu hồi. 

Tại Đà Nẵng, đất dự án đô thị khắp nơi, đường ngang lối dọc vuông vức nhưng chẳng ai ở, người mua như đầu tư của để dành, chẳng biết đến bao giờ nhà mới lấp kín. Lau lấp kín vậy, rồi mùa bông lau sẽ qua đi, hiện trạng lại trở về với trần trụi nền đất đã bị bỏ hoang từ năm này qua năm khác, những gốc lau lại ẩn mình lặng im dưới lớp đất chờ khoe sắc vào những mùa sau nở rộ góp thêm sắc màu cho TP và thắp lên niềm hy vọng cho những bình yên!

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục