
Nhân sự kiện vị hoàng tử cuối cùng của Vua Thành Thái qua đời vào sáng nay (18-3) tại Cần Thơ, báo SGGP 12giờ xin giới thiệu tư liệu về Vua Thành Thái.
- Lên ngôi lúc 10 tuổi

Vua Thành Thái
Khi Vua Đồng Khánh mất, triều đình rút kinh nghiệm các lần lập vua trước đấy, phải sang xin ý kiến của viên khâm sứ người Pháp, vì con trai của Đồng Khánh là Bửu Đảo mới có ba tuổi không nối ngôi cha được. Ở tòa khâm sứ lúc này có ông Diệp Văn Cương đang làm thông ngôn. Diệp Văn Cương lấy bà cô ruột của Bửu Lân, và cũng có cảm tình thương hại Vua Dục Đức, nên cố tìm cách cho cháu mình lên ngôi. Ông dịch cho khâm sứ nghe hoàn toàn khác với ý của Viện cơ mật. Viện cơ mật hỏi quan khâm sứ muốn chọn ai, ông lại dịch thành:
- Viện cơ mật và các bà Thái hậu muốn chọn Hoàng tử Bửu Lân lên ngôi, quan khâm sứ có ý kiến thế nào?
Viên khâm sứ trả lời:
- Nếu các ngài đã đồng ý thì tôi xin tán thành.
Ông Cương lại dịch khác đi:
- Theo ý tôi thì các quan nên chọn Hoàng tử Bửu Lân là hợp.
Như thế, Bửu Lân được lên ngai vàng. Lúc bấy giờ, Hoàng tử Bửu Lân mới hơn mười tuổi, nhưng vóc người đã lớn, có vẻ lanh lợi, thông minh. Ông cầm đầu vương triều được 16 năm, dài hơn tất cả các vua triều Nguyễn, từ sau khi Tự Đức mất (trừ Bảo Đại).
- “Cứu thù quốc sỉ ấy là nợ chung”
Thành Thái là một ông vua trẻ có nhiều tính cách đặc biệt. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng khi lên ngôi, ông đã có vẻ là một người lớn, có tư thế ung dung, giao thiệp đàng hoàng với quan lại kể cả người Nam, người Pháp. Thành Thái là người ham học hỏi. Khác với những ông vua trước đây, ông học chữ Nho, học chữ Pháp và cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp nữa. Không nói ra, nhưng rõ ràng ý định của ông là học chữ Pháp để có thể giao tiếp với những người này với tinh thần chống Pháp. Ông còn cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen với văn minh phương Tây.Vua Thành Thái dần dần bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Ông rất khinh ghét những bọn quan lại xu phụ.
Bọn thực dân đã tìm cách phế truất Thành Thái, vì chúng nhận ra đây là một ông vua bất trị. Chúng phao tin nhà vua bị điên, không thể ngồi trên ngai vàng được, ép ông phải thoái vị nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Viên Khâm sứ Pháp Lévequer còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp, nên không để ông ở ngôi được. Nếu còn muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng ông đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, cười vào mũi viên khâm sứ và nói với các quan lại tùy tùng:
“Muôn dân nô lệ từng đàn
Vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta
Hỡi ôi! Mất nước tan nhà
Cứu thù quốc sỉ ấy là nợ chung”.
Ngày Vua Thành Thái phải ra đi là một ngày đau buồn của cả thành phố Huế. Dân chúng kinh thành: “Mỗi nhà một án thư, đốt hương nghi ngút, đặt trước sân, đầu ngõ và mọi người quần áo chỉnh tề tiễn biệt đức Vua. Mọi người đều rớm lệ. Họ thương nhớ đức Vua, tự hào về tinh thần dân tộc và ý chí bất khuất của ông. Nhiều người hối hận vì đã hiểu lầm Vua Thành Thái. Người ta lầm tưởng ông chỉ là một thanh niên ham chơi, trác táng, cam chịu sống hèn trên chiếc ngai vàng hư vị. Nay thì rõ ràng là ông đã giả vờ sống cuộc đời phóng đãng, có vẻ bê tha để che mắt mọi người, để nuôi chí lớn. Vua bị buộc thoái vị vào năm 1907, khi ông mới 29 tuổi.
Vua Thành Thái có 16 hoàng tử và nhiều công chúa (nhưng chỉ xác định được tên 6 công chúa): 1. Lương Trinh; 2. Lương Linh (Mệ Sen); 3. Lương Cầm; 4. Lương Mỹ; 5. Lương Hảo; 6. Lương Thâm |
Ngày 12-9-1907 thực dân Pháp giải ông vào Sài Gòn rồi đưa đi quản thúc tận Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Con trai ông nối ngôi là Vua Duy Tân, vẫn tiếp tục chống Pháp và cũng bị thất bại năm 1916. Năm ấy, Pháp đày cả hai cha con Thành Thái, Duy Tân sang đảo Réunion và ở trên đảo này cho đến năm 1947 mới được thả về Sài Gòn.
Ông mất ngày 20-3-1954, sau chuyến đi thăm thành phố Huế lần cuối cùng (1953). Ông thọ 75 tuổi làm vua được 16 năm, bị đi đày 40 năm.
N.M.Q (theo hanoi/vnn.vn)