Tháo gỡ để ngăn đình trệ vận tải hàng hóa

Mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang phải oằn mình bởi gánh nặng chi phí, đối mặt với ùn tắc ngay cả trên tuyến đã được công bố là “luồng xanh” quốc gia.

Những vướng mắc nào cần tiếp tục được tháo gỡ là câu hỏi đặt ra tại cuộc tọa đàm “Tháo gỡ đình trệ cho vận tải hàng hóa” được tổ chức ngày 26-7 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Y tế.

Gánh nặng chi phí xét nghiệm

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã cùng lên tiếng về những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải đang phải chống chịu. Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho biết, sau hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, các doanh nghiệp vận tải đang ở trong tình trạng kiệt quệ, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên, một trong những gánh nặng đáng kể là chi phí xét nghiệm. Một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng, sự thiếu nhất quán trong việc áp dụng các quy định vận tải, sự khác biệt trong quy định phòng chống dịch liên quan tới thời hạn và cách thức test với lái xe… cũng gây ra rất nhiều khó khăn. Đơn cử, quốc lộ 1A qua địa bàn TPHCM không bị đóng cửa khi áp dụng Chỉ thị 16, nhưng TP Hà Nội lại đóng cửa quốc lộ 1A để phong tỏa địa bàn khiến các phương tiện phải đi vòng. Hay có quy định địa phương này áp dụng nhưng địa phương khác lại chưa… Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, những bất cập này gây thiệt hại lên đến 100 tỷ đồng/ngày cho các doanh nghiệp thuộc hiệp hội.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra tại cuộc tọa đàm, như là: việc hiểu như thế nào về hàng hóa thiết yếu, về các loại xe được đi qua địa phương, xe chở sữa, nước uống, tiền có phải quay đầu hay không? Tại sao TP Hà Nội lại để xảy ra ùn tắc kéo dài ở các chốt kiểm soát dịch bệnh? Tại sao nhiều doanh nghiệp vận tải đăng ký cấp thẻ nhận diện luồng xanh nhưng chờ đợi rất lâu, thậm chí nhiều lúc vào tra cứu thông tin còn treo máy, tỷ lệ được cấp thẻ chỉ đạt 20%?... Nếu không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc này, chuỗi vận tải hàng hóa sẽ không tránh khỏi bị đứt gãy. 

Cần có những quy định mới phù hợp hơn

Tại cuộc tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, tháo gỡ khó khăn trong vận tải trước hết phải tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ lái xe, ngăn ngừa nguy cơ thiếu lái xe làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi vận tải. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), đề xuất, hiện tổng số lái xe kinh doanh vận tải lên đến 2,5 triệu người. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, ngành y tế và các địa phương phải ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 sớm cho đối tượng này.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khi đã tạo được luồng xanh, đã có công nghệ thông tin... thì cũng không cần quy định lái xe phải có giấy xét nghiệm 72 giờ nữa, vừa không cần thiết, vừa quá tốn kém. Vấn đề là, các cơ quan quản lý cần xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát, tạo hành lang pháp lý, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe và các đơn vị bốc xếp, tiếp nhận hàng hóa. Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, Tổng cục ĐBVN đang soạn thảo quy định tạm thời về vận tải cho các địa phương thực hiện nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Tổng cục ĐBVN sẽ có hướng dẫn cụ thể về phòng dịch cho đội ngũ lái xe trước, trong và sau mỗi chuyến đi. 

Về cấp mã QR, Tổng cục ĐBVN cho biết, hiện TPHCM đã thực hiện cấp mã QR trên phần mềm chung toàn quốc. Đến thời điểm này, đã có 55.000 phương tiện được cấp mã QR hoạt động trên “luồng xanh”. Tổng cục ĐBVN cũng đã làm việc với Bộ TT-TT về việc mã hóa thẻ nhận diện đồng bộ với mã QR xét nghiệm, mã QR tiêm vaccine, giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát hơn trong thời gian tới.

Đại diện các bộ ngành cũng thống nhất rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ Công an, các doanh nghiệp, các hiệp hội, cần ngồi lại với nhau để xây dựng một quy trình kiểm soát vận tải hàng hóa, trên tinh thần kiểm soát an toàn và ngăn ngừa rủi ro. Những quy trình đó phải thống nhất, dễ cho người thực hiện, tránh gây nhiều tranh cãi, thắc mắc khi triển khai. Đó là cách tốt nhất để chuỗi vận tải hàng hóa được thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, kéo dài.

Tin cùng chuyên mục