(SGGPO).- Hội nghị bàn về “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL”, do Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức vào sáng 15-3, tại thành phố Long Xuyên.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Cụ thể, từ năm 1995 đến năm 2015 diện tích trồng lúa tại ĐBSCL tăng từ 3,2 triệu ha lên 4,3 triệu ha, năng suất từ 40, 2 tạ/ha tăng lên gần 60 tạ/ha, sản lượng lúa tăng từ 12,8 triệu tấn lên 25,7 triệu tấn. Trong giai đoạn 1989- 2012, gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 14%/năm về lượng và 10% về giá. Năm 2012, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất với 8 triệu tấn, kim ngạch 3,67 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Gạo nước ta xuất sang 150 nước; trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 38%, Philippines 9%, Malaysia 9%, Bờ Biển Ngà 9%... Mặt được là vậy, song sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Tỷ lệ thất thoát cao khoảng 13,7% (so với Thái Lan chỉ 6,1%, Ấn Độ 6%...); chất lượng gạo thấp, công nghiệp chế biến chưa phát triển; thu nhập của nông dân trồng lúa bấp bênh… Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại to lớn đối với lúa gạo, nhất là năm 2016 vừa qua. Tính cạnh tranh trong xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt, yêu cầu chất lượng, yêu cầu an toàn thực phẩm ngày càng cao sẽ là thách thức cho ngành lúa gạo Việt Nam…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cánh đồng lúa chất lượng cao ở An Giang
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ NN-PTNT, các tỉnh ĐBSCL… trong sản xuất lúa gạo thời gian qua. Tuy nhiên, bối cảnh trước mắt đối với ngành lúa gạo là rất khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, sản xuất lúa gạo phải gắn với thị trường, không thể tách rời thị trường được. Hiện nay xuất khẩu gạo trên thế giới có nhiều thay đổi, tính cạnh tranh cao. Vì vậy, để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững thì phải mạnh dạn thay đổi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu cần chỉ ra những khó khăn, hạn chế, những điểm kềm hãm ngành lúa gạo phát triển… để từ đó tìm giải pháp tháo gỡ. Có hay không Hiệp hội Lương thực Việt Nam “cản trở” doanh nghiệp xuất khẩu, có hay không việc “ban phát” hạn ngạch trong xuất khẩu gạo? Những cơ chế nào không phù hợp thì xem xét thay đổi ngay. Tại sao hạt gạo Campuchia đi sau ta khoảng 15 năm nhưng nước bạn có thương hiệu gạo, xuất sang châu Âu… Trong khi chúng ta loay hoay mà chưa xây dựng xong thương hiệu lúa gạo?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát các sản phẩm chất lượng ở An Giang
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Tháo gỡ ngay cơ chế cản trở ngành hàng lúa gạo phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, sản xuất và xuất khẩu gạo tới đây không chạy theo số lượng mà cần chất lượng, giá trị… Theo đó, qui hoạch lại việc sản xuất, giải quyết tình trạng đất đai manh mún để hướng tới vùng cuyên canh lớn. Trong chuỗi giá trị lúa gạo thì vai trò của doanh nghiệp là quan trọng từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với hợp tác xã, nông dân… nhằm giải quyết tốt sản xuất và tiêu thụ. Các nhà khoa học cần hỗ trợ tích cực hơn về công nghệ cho ngành lúa gạo phát triển. Phía ngân hàng tham gia mạnh hơn trong hỗ trợ vốn trung hạn, dài hạn… để tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng bền vững, chất lượng và tăng giá trị...
HUỲNH LỢI