Tháo “ngòi nổ” tại VFF

Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thống nhất không cho ông Trần Anh Tú rút lui khỏi các chức vụ quan trọng mà ông vừa được bầu lên cách đây không lâu.
 Phản ứng này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nếu ông Tú tự ý rút lui hoặc Hội đồng quản trị Công ty VPF miễn nhiệm ông Tú thì chẳng khác nào mọi quyết định trước đó là sai lầm?! Hơn nữa, cá nhân ông Trần Anh Tú có lý do để bảo vệ quyết định của mình, vì ông cho rằng mình không làm gì sai và cũng không có gì cản trở việc ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng cùng lúc ở bóng đá Việt Nam. 

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, ông Trần Anh Tú vẫn sẽ là ứng cử viên gần như duy nhất cho chức danh Phó chủ tịch tài chính tại đại hội VFF sắp đến. Điều này có thể dẫn đến một kịch bản xấu, đó là bầu Đức sẽ rút đội bóng Hoàng Anh Gia Lai ra khỏi V-League trong một ngày không xa, như những gì ông đã tuyên bố trước đó. 

Sự việc nói trên khiến cho bầu không khí của bóng đá Việt Nam có phần u ám. Bởi nó lộ ra sự mâu thuẫn lẽ ra không nên có ở những con người, vị trí đang có tầm ảnh hưởng lớn đến rất nhiều mảng trong nền bóng đá nội địa. Thế nhưng, cũng cần nhìn nhận các sự việc một cách tỉnh táo, đúng bản chất thì sẽ thấy các mâu thuẫn nói trên cũng chưa hẳn là điều đáng để lo ngại.

Thứ nhất, cần phải thấy rằng, VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp và theo khuyến cáo của FIFA là mọi hoạt động của VFF phải dựa trên tinh thần tự nguyện, không chịu bất kỳ sự tác động nào từ các tổ chức khác. Như vậy, ai cũng có quyền tham gia vào VFF nếu có đủ uy tín, khả năng thuyết phục cao và đặc biệt là phải tự chịu mọi trách nhiệm về quyết định của mình. Trong một tổ chức có tính dân chủ cao như vậy, những va đập về quan điểm không phải là chuyện bất thường, đáng lo. Ngược lại, từ những tranh cãi công khai ấy, chúng ta sẽ thấy rõ hơn các cam kết của họ mà nếu không xảy ra chuyện, thì có lẽ cũng chẳng ai yêu cầu họ phải nói ra. 

Thứ hai, cuộc tranh luận ồn ào giữa bầu Đức và ông Trần Anh Tú xuất phát từ những quyết định mang tính cá nhân, cần phải được tôn trọng. Họ đều là những doanh nhân, dù nhiều dù ít thì tên tuổi cũng được biết đến rộng rãi, có đóng góp nhất định cho bóng đá Việt Nam. Họ đều có quyền tin rằng mình sẽ đóng góp tốt cho nền bóng đá và chuyện họ rút lui hay quyết tâm theo đuổi công việc của mình, đều cần được ghi nhận một cách công bằng. Không thể vội vã cho rằng một người rút lui khỏi VFF đó là “vì bóng đá”, còn người kia thì ngược lại. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu ai cũng vì bóng đá Việt Nam mà lại tạo ra một mâu thuẫn không thể hóa giải, chắc chắn là không tốt cho cái chung. Bởi nó sẽ dẫn đến 1 trong 2 trường hợp, người này nghỉ hoặc người kia phải rút. Bầu Đức bỏ bóng đá, thiệt hại đầu tiên là Công ty VPF do ông Trần Anh Tú đứng đầu bởi nó sẽ làm phức tạp môi trường đang tốt dần lên của V-League hiện nay. Nhưng nếu ông Tú vì sức ép của bầu Đức và dư luận mà rời các chức vụ ở VPF, thì uy tín của ông cũng bị ảnh hưởng, làm sao có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò cao hơn tại VFF. Nói cách khác, không nên để xảy ra 1 trong 2 chuyện này. Ai trong chuyện này đều sẽ nhận thiệt hại không nhiều thì ít, nhưng về lâu dài thì sẽ gây ra sự mất ổn định của nền bóng đá, uy tín VFF giảm sút và một bầu không khí e ngại đối với những người đang và sẽ muốn đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Chính vì thế, điều đáng tiếc nhất hiện nay không phải là những cuộc tranh luận gay gắt lẽ ra không nên có, mà là chưa thấy ai ra tay tháo “ngòi nổ”. Lẽ ra, cần phải có sự hóa giải mối mâu thuẫn này ngay từ đầu, thế nhưng sau hơn một tháng trôi qua, sự việc trầm trọng đến mức 2 nhân vật chính không còn ngồi lại được để nói chuyện với nhau. 

Đến lúc này, mới thấy tầm quan trọng của một nhân vật có uy tín, địa vị cao trong giới thể thao, bóng đá. Hơn lúc nào hết, vai trò của Chủ tịch VFF cần được phát huy. Hiện Chủ tịch đương nhiệm VFF vẫn là ông Lê Hùng Dũng, nhưng trên thực tế, ông Dũng có vấn đề sức khỏe, lại sắp hết nhiệm kỳ nên khó thuyết phục được. Trong những ứng cử viên cho chức Chủ tịch VFF hiện nay, cũng chẳng có ai ở tầm vóc vượt trội.

Trong quá khứ, đã có những lần mà các vị chủ tịch phải “thân chinh” làm “thuyết khách” để giúp cho các đội bóng tại địa phương duy trì sự tồn tại và phát triển. Họ phải đủ vị thế xã hội để ngồi làm việc với giới chức địa phương, có tầm nhìn bao quát để diễn giải những lợi ích trong đầu tư bóng đá và đặc biệt phải có uy tín cá nhân cao để bảo đảm cho những cam kết. 

Vì lý do đó, dù có phải tạm lùi thời gian tổ chức đại hội thì cũng nên làm để tìm cho được nhân vật có đủ các phẩm chất nói trên. Không phải để giải quyết ngay sự mâu thuẫn hiện nay, mà còn vì những hệ lụy xuất phát từ tiền lệ này, có thể phát sinh trong 4 năm của nhiệm kỳ 8 sắp đến.

Tin cùng chuyên mục