Rao là nói gọn của chào mời, quảng cáo bán hàng. Từ thấp lên cao, Sài Gòn phong phú tiếng rao, cách rao thật hấp dẫn. Như nơi cửa chính chợ Bến Thành, thời xa vắng, có bà bán quần trẻ em ngồi bệt dưới đất. Từ xa đã nghe tiếng rao như quát của bà: “Quẹo lựa, quẹo lựa! Em bận mát, 3 đồng 2 cái quần”. Nơi góc đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh có xe đẩy bánh mì thô sơ, trên xe chỉ vài ba ổ bánh mì với cục thịt xá xíu nhỏ, thế mà ông chủ rao với bảng hiệu 2 chữ “Phất lên”. Mà phất lên thật, giờ đây Sài Gòn - TPHCM hội nhập với đủ cách rao hiện đại, trong đó vẫn còn những hàng rao cũ, nhưng đổi mới máy móc. Xưa một ông gánh trên vai đồ nghề đá mài sắt thép, vừa đi vừa gõ nhịp rao - Mài kéo! Mài dao! Qua một đoạn, không ai gọi, ông rao trở qua “Mài dao! Mài kéo!”. Giờ đây chạy xe gắn máy ầm ào, rao bằng loa phóng thanh: Mài dao! Mài kéo! Rồi rao thêm: “Dao hư, kéo lụt, thay cán dao”. Xưa chị người Bắc đội thúng qua xóm, tiếng rao mệt mỏi kéo dài: “Bánh chưng... bánh giò”, nay cũng bánh giò, bánh chưng nhưng bằng loa phóng thanh, chạy xe gắn máy.
Minh họa: Lưu Ngọc
Hiện đại còn phải nhắc rao dịch vụ mới, một chị đẩy cây máy đo huyết áp vào xóm, loa trỗi lên một tràng nhạc ngoại vui tươi, tiếp theo là: “Đo áp huyết - chiều cao - cân nặng”. Vụ rao liên quan đến y tế, sức khỏe này làm nhớ lại tiếng trống, phèng la của những gánh mãi võ Sơn Đông di động qua những bãi đất trống, múa võ bán thuốc cao đơn hoàn tán, với những câu rao có vẻ trêu tức các bà: “Các cô các bà, chồng bỏ chồng chê - Uống vô một gói chồng mê trở về!”.
Tội nghiệp nhất là những chị mua ve chai, vừa đi vừa nhịp bước mệt mỏi kéo dài 2 tiếng: Ve… chai. Lại còn có cách rao không lời mà bằng mùi vị hấp dẫn như bên lề đường Đinh Tiên Hoàng từ dốc cầu Bông xuống, có một dãy quán bán cơm tấm đêm, rao bằng cách quạt khói nướng thịt thơm lừng bay mù mịt, khách theo mùi thơm mà tìm vào.
Rao còn có những ca khúc rộn ràng như quảng cáo vận động cho hàng nội hóa, từng âm vang bài ca: “Ta không chê của người, ta không khen của ta. Nhưng dù sao đi nữa, ta về ta tắm áo ta. Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Còn có một ca khúc xôn xao vui nhộn với rao cho kem đánh răng Hynos một thời: “Răng em, răng em trắng muốt như ngà, nhờ kem Hynos mà ra. Anh yêu em, hay anh yêu kem, hay anh yêu anh Bảy Chà da đen. Anh yêu em, anh yêu luôn kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen…”. Vì hiệu kem Hynos lấy biểu tượng anh Bảy Chà da đen, tương phản với nụ cười nhe hàm răng trắng như ngà. Rao âm thanh còn có một rừng âm vang chợ chó, chợ chim một thời ở chợ Cũ. Từ xa, khách đã nghe rộn ràng tiếng chim hót, mèo kêu, chó sủa nên không cần tiếng chào hàng của người bán, mà hàng vẫn bán chạy mỗi ngày.
Rao ở Sài Gòn kể ra thì còn dài dài, để kết thúc, xin giới thiệu một cách rao có tính kích thích với dân nhậu Sài Gòn, như nơi một quán nhậu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, chưng bảng hiệu: “Nam vô tửu, như kỳ vô phong”.
LÊ VĂN SÂM