Năm 2013, khi nhìn lại tình hình xuất khẩu nông sản, không ít ý kiến cho rằng, kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh với khá nhiều mặt hàng như gạo, tôm, cà phê… là một trong những điểm nhấn. Từ lâu nhiều người vẫn xem đây là thị trường phụ khi tầm nhìn của các doanh nghiệp (DN) đang chủ yếu hướng vào các nước châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản...
Thế nhưng, trong năm 2013 Trung Quốc lại là “điểm đến” cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là gạo. Trong bối cảnh lượng gạo xuất khẩu chính ngạch liên tục không đạt kế hoạch trong nhiều tháng, gạo hàng hóa tồn kho nhiều, DN lỗ cả chục USD/tấn, không ít người lo lắng lúa gạo sẽ giảm giá mạnh. Nhưng thật bất ngờ, giá không giảm, chỉ chựng lại, sau đó có chiều hướng nhích lên nhờ một lượng lớn (khoảng 1,5 triệu tấn gạo) được xuất qua Trung Quốc bằng đường biên mậu cùng với 2 triệu tấn xuất khẩu chính thức. Ngay cả mặt hàng đường bị tồn kho lớn do đường lậu từ Thái Lan qua ngã Campuchia vào các tỉnh biên giới, lên đến 500.000 tấn/năm 2013, nhờ được xuất qua Trung Quốc từ cửa khẩu tỉnh Lào Cai giúp DN đường phần nào bớt khó.
Năm 2004, khi Hiệp định khu vực mậu dịch tự do Asean - Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ. Khảo sát của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc tăng gấp 4,4 lần so với năm 2004. Đặc biệt, 3 năm gần đây kim ngạch có sự tăng trưởng bình quân rất ấn tượng, gần 36%/năm và Trung Quốc hiện là thị trường chiếm gần 34% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Vì vậy, đây là ngành hàng gánh trách nhiệm ngày càng lớn trong việc giúp giảm nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc. Tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc năm 2013 đạt hơn 110 tỷ USD, trong khi mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ hơn 4,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc giao thương chủ yếu qua đường biên giới. Hình thức buôn bán này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về phía DN Việt Nam và người gánh hậu quả cuối cùng là bà con nông dân. Đó là việc “giựt chợ” khi đột nhiên ngưng mua mặt hàng nào đó, khiến giá tụt giảm nhanh chóng. Một số thương lái Trung Quốc còn khuyến khích thương lái Việt Nam trộn gạo chất lượng thấp vào gạo thơm hay mua cả tôm bị bơm tạp chất mà nước khác nghiêm cấm, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của hàng nông sản Việt Nam.
Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu sâu hơn và định vị lại thị trường gần này, cần xác định đây là thị trường lớn, rất tiềm năng nên phải có cách làm bài bản như những thị trường khó tính khác. Bởi trước sau gì việc chấn chỉnh về chất lượng cũng sẽ được nước bạn áp dụng, dù đó là hàng bán qua biên giới. Thị trường gần, rất tiềm năng nhưng không thể tiếp cận một cách dễ dãi như hiện nay.
CÔNG PHIÊN