Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với 4 môn thi và cách công nhận và xếp loại tốt nghiệp, rất nhiều ý kiến băn khoăn về những bất cập của phương án này. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có trao đổi với SGGP về những băn khoăn này.
- Phóng viên: Về cơ bản các sở GD-ĐT, các trường học, giáo viên và học sinh rất ủng hộ quyết định thi tốt nghiệp THPT 4 môn của Bộ GD-ĐT đưa ra. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn cho rằng để học sinh tự chọn 2 môn thi là làm khó cho các trường trong việc ôn luyện, tổ chức thi cũng vì thế mà rắc rối hơn?
>> Ông MAI VĂN TRINH: Tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các sở GD-ĐT cho rằng phương án thi tốt nghiệp mới là lựa chọn tốt nhất trong thời điểm hiện nay. Có giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng phương án đã hướng tới quyền lợi của người học, hợp lòng dân. Mong chờ của các sở bây giờ là Bộ GD-ĐT cụ thể hóa cách thức thực hiện để cơ sở triển khai. Vì vậy, bộ đang rất khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh thông tư hướng dẫn về thi tốt nghiệp THPT 2014 để ban hành sớm trong thời gian tới. Riêng cách thức triển khai phương án thi mới, các sở, các trường không nên lo lắng. Khi đã chọn một phương án cũng có nghĩa là vấn đề, kỹ thuật, giải pháp đã phải có. Trong thực tiễn, các trường đại học đã triển khai thi theo hình thức này. Bộ GD-ĐT cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể để các cơ sở thực hiện thuận lợi nhất.
Năm nay, phòng thi, số báo danh sẽ thông báo trước kỳ thi, mỗi học sinh chỉ có một số báo danh duy nhất. Về băn khoăn để học sinh tự chọn 2 môn thi, tôi muốn khuyên các em học sinh tập trung vào những môn sở trường để vừa thi tốt nghiệp, vừa hướng đến lựa chọn nghề nghiệp trong kỳ thi ĐH-CĐ, giống như mục tiêu “2 trong 1”. Việc để học sinh tự chọn 2 môn thi có thể khiến nhà trường vất vả hơn trong ôn tập cho các em, công tác tổ chức thi cử cũng phiền hà hơn, nhưng quan điểm của Bộ GD-ĐT là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các em học sinh, bảo đảm cho các em được thi nhẹ nhàng nhất, phù hợp với sở trường các em nhất. Tuyệt đối chúng tôi không làm khó cho học sinh cũng như hội đồng thi. Việc gì khó khăn bộ, sở sẽ gánh hết để các em thuận lợi nhất.
- Về việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp, bộ nêu rõ thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, năm nay sẽ sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 cộng với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50% + 50%). Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến chỉ ra bất cập của việc này, ví dụ như nếu điểm tổng kết trung bình năm lớp 12 là 8 điểm, trong khi điểm thi tốt nghiệp chỉ 2 điểm, cộng lại chia đôi được 5 điểm, vẫn đỗ tốt nghiệp? Hoặc điểm thi chỉ 4 điểm, cộng với 6 điểm học tập thì vẫn đỗ, trong khi hoàn toàn không khó để có 6 điểm học tập ở trường?
Bộ GD-ĐT đã tính toán để đưa ra thay đổi này nhằm tránh để học sinh bị rủi ro trong mấy ngày thi tốt nghiệp. Thực tế có nhiều em học khá trong suốt quá trình nhưng thi cử gặp rủi ro nên trượt tốt nghiệp, vì vậy bộ muốn đi theo quan điểm mới, đó là đánh giá cả quá trình học tập của các em. Vấn đề giờ đây là trách nhiệm đánh giá học tập của học sinh ở các trường THPT phải thiết thực, đúng trình độ của các em.
- Chính vì thế mà nhiều ý kiến cho rằng, nếu bộ không có quy định điểm liệt (quy định hiện hành điểm liệt là 0 điểm) thì với trường hợp hai môn thi bắt buộc, học sinh chỉ đạt 1 - 2 điểm trong khi đó 2 môn tự chọn của em học sinh đạt 8 - 9 điểm sẽ vẫn đỗ tốt nghiệp là không thỏa đáng?
Vấn đề có quy định điểm liệt hay không bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, cân nhắc. Tất cả những băn khoăn của dư luận chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc để đưa thành quy định trong thông tư sẽ ban hành tới đây. Tôi muốn nói đó chỉ là những vấn đề kỹ thuật, hoàn toàn có thể giải quyết được khi ban hành thông tư. Cái quan trọng hơn là chúng ta hướng tới việc thay đổi chủ trương để có một kỳ thi tốt nghiệp thực chất với các em học sinh. Đây là một chủ trương đúng, không vì một vài trường hợp cá biệt mà bỏ hẳn chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp.
- Bộ GD-ĐT công bố dự kiến 4 phương án thi tốt nghiệp trong 2 ngày, 2,5 ngày, 3 ngày và 4 ngày. Bộ sẽ chọn phương án nào?
Về phương án thi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT đã công bố những gì thuộc về chủ trương, còn các vấn đề kỹ thuật cụ thể (như lịch thi, bố trí phòng thi...), bộ sẽ quy định cụ thể tại thông tư tới đây khi ban hành. Tôi xin nhắc lại, trong quá trình hoàn thiện một số điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 theo Nghị quyết 29-NQ/TW, từ ngày 9-1-2014, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã công bố dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến của các đơn vị, cá nhân. Hiện nay, cục tiếp tục cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi phù hợp với phương án đã được Bộ GD-ĐT thông báo ngày 24-2 vừa qua. Cục đề nghị các đơn vị, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo để cục tiếp tục hoàn thiện trình lãnh đạo bộ ký ban hành. Chắc chắn, khi có ý kiến đóng góp rộng rãi của xã hội, các sở GD-ĐT, phụ huynh, học sinh... quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được hoàn thiện một cách đầy đủ nhất, hợp với thực tiễn nhất. Riêng về thời gian thi tốt nghiệp trong 2 ngày, 2,5 ngày hoặc 3, 4 ngày, trên cơ sở đóng góp ý kiến, bộ cũng sẽ quyết định theo hướng bảo đảm để thí sinh thoải mái nhất, tiện lợi nhất, không căng thẳng. Bộ cũng sẽ có hướng dẫn ôn tập cho học sinh theo hướng thi mới và cố gắng sẽ hoàn thành sớm.
- Thưa ông, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh vừa công bố tỷ lệ học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn của học sinh Trường Lương Thế Vinh tại kỳ thi tốt nghiệp tới. Theo đó, tỷ lệ các môn thi học sinh tự chọn là: lý 75,6%, tiếng Anh 56,3%, hóa 50,8%, địa 11,4%, sinh 5,3% và sử 0%. Đặt vấn đề nếu cả nước chỉ dưới 1% học sinh đăng ký thi sử thì vô tình môn sử sẽ bị coi nhẹ rất nhiều. Trước đó, trong quá trình đóng góp ý kiến cho phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT, khá nhiều ý kiến đề nghị đưa môn sử thành môn thi bắt buộc. Còn tại hội nghị triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT mới đây do Bộ GD-ĐT tổ chức, không ít ý kiến đề nghị không nên để học sinh tự chọn 2 môn thi; hoặc nên quy định 2 môn tự chọn cần có 1 môn tự nhiên, 1 môn xã hội để tránh tình trạng học sinh chỉ chọn môn tự nhiên. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Tại thời điểm hiện nay rất khó để nói về việc này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cần thay đổi tư duy về vấn đề đó. Cần đặt vấn đề ngược lại: cần phải làm gì để học sinh lựa chọn thi môn sử nhiều hơn? Như vậy thì lại là câu chuyện dạy và học sử trong nhà trường.
- Cảm ơn ông!
LÂM NGUYÊN