Microsoft Việt Nam ra mắt Windows 8.1 cùng thời điểm với thế giới tại TP Đà Nẵng vào tuần qua. Dịp này PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí, xung quanh những thay đổi của hãng công nghệ thuộc hàng đầu thế giới này, theo hướng gần và linh động hơn với người dùng chứ không còn “cứng ngắt” như trước đây.
- Phóng viên: Thời gian gần đây, Microsoft Việt Nam đã có những bước thay đổi trong tiếp cận thị trường, sâu hơn và mềm mại hơn. Lý do của sự thay đổi này?
>> Ông VŨ MINH TRÍ: Mục tiêu cuối cùng của Microsoft vẫn là phục vụ khách hàng tốt nhất. Đặc biệt gần đây Microsoft đang có bước chuyển mình rất lớn ở cấp toàn cầu, từ một công ty phần mềm chuyển sang công ty cung cấp phần cứng và các dịch vụ đi kèm… Điều này đòi hỏi thái độ của nhân viên Microsoft cũng phải thay đổi theo.
Việt Nam là một trong những thị trường có tỷ lệ phần mềm không bản quyền rất cao. Với Microsoft Việt Nam, chúng tôi chọn cách tiếp cận với các đối tác như HP, Sony… để hỗ trợ tối đa cho đối tác đến khi sản phẩm mới ra thị trường thì đã được cài đặt các phần mềm chính hãng. Đối với người tiêu dùng, có thể có rất nhiều lý do không trang bị những phần mềm không bản quyền, trong bối cảnh như thế chúng tôi làm việc trực tiếp với nhà sản xuất. Sony là một trong những hãng điển hình, 100% máy bán ra trên thị trường có bản quyền. Sony đã chứng minh được điều đó khi thị phần của họ liên tục tăng, từ 15% lên 26% và đứng đầu thị trường máy tính. Còn đối với người sử dụng, mức độ hài lòng của người dùng sẽ cao hơn khi không còn phải lo về phần mềm. Cách tiếp cận này có lợi cho các bên, đặc biệt là người tiêu dùng.
Cách tiếp cận thứ hai là theo các kênh phân phối, làm việc với tất cả các nhà bán lẻ tại thị trường trong nước như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động… hướng đến cam kết 100% máy tính bán tại đây có bản quyền. Kế đến là tiếp cận với các doanh nghiệp, có thể chi phí của doanh nghiệp bị giới hạn ở những năm đầu tiên… nên chúng tôi xây dựng những chương trình linh hoạt để doanh nghiệp sử dụng toàn bộ phần mềm có bản quyền nhưng có thể trả trong vòng vài năm sau đó. Làm như vậy, giúp doanh nghiệp chấm dứt nguy cơ bị tấn công mạng, vấn đề bản quyền…
Với những cách tiếp cận trên, Microsoft đã làm gia tăng đáng kể mức độ hài lòng cho người dùng.
- Microsoft đang muốn trở thành “người khổng lồ” năng động khi đang cố gắng kết hợp phần cứng với phần mềm trong một hệ sinh thái?
Hiện nay, ứng dụng và thiết bị đều qua tiêu chuẩn của Microsoft. Đây là bước chuyển mình rất lớn nên phải xây dựng hệ sinh thái. Microsoft xác định đây là chặng đường dài. Chính vì thế chúng tôi đang lựa chọn những hướng đi, ứng dụng rất quan trọng với người sử dụng. Gần đây Microsoft đã mua lại Skype, sản phẩm đang phổ biến tại thị trường Việt Nam. Do đó Skype sẽ được tích hợp trong các thiết bị, dịch vụ của Microsoft mang đến tiện dụng và chất lượng hơn cho người dùng. Với sức mạnh của Microsoft cùng Skype, hệ điều hành Windows 8.1, Windows Phone… được tích hợp với Skype tạo thành giải pháp giao tiếp duy nhất, đảm bảo tính bảo mật và tiện dụng.
Với Office 365 sắp ra mắt vào tháng 11 tới cũng giải quyết được nhiều vấn đề cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ không mất nhiều thời gian, đầu tư nhân lực, hạ tầng… Nếu doanh nghiệp muốn, chỉ cần lên mạng đăng ký Office 365. Và cái hay của Office 365 còn luôn linh động về số lượng người dùng và tính đồng bộ cũng rất cao.
- Với Trung tâm sáng tạo ở Khu Công nghệ cao TPHCM, Microsoft thể hiện kỳ vọng và đạt được những kết quả như thế nào vì thực chất giá trị gia tăng ở Khu Công nghệ cao còn hạn chế?
Việc đưa vào hoạt động Trung tâm sáng tạo của Microsoft cùng với Khu Công nghệ cao TPHCM là cơ hội tốt để Microsoft chuyển giao các công nghệ, đặc biệt là với đội ngũ làm việc tại trung tâm sáng tạo này. Trong thời gian qua, ở đây làm việc rất hiệu quả và quan trọng hơn nơi đây còn đào tạo các chuyên gia công nghệ không chỉ cho các công ty trong Khu Công nghệ cao mà còn với các công ty khác, các trường đại học. Số liệu mới đây cho thấy Việt Nam đóng góp 25% tổng số lượng các ứng dụng của Windows 8, WinPhone của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó phần lớn là đóng góp từ Trung tâm sáng tạo. Cần nói rõ không hẳn các ứng dụng đều được tạo ra tại đây mà đây là nơi hội tụ các lập trình viên để sinh hoạt, trao đổi, chuyển giao công nghệ… Với Microsoft Việt Nam, đây là một thành công và nơi đây cũng giúp các hoạt động khởi nghiệp đạt những bước tiến mới, đã có hơn 100 đơn vị khởi nghiệp xuất phát từ đây.
Không chỉ vậy, hiện trung tâm đang tập trung vào những giải pháp mang tính ứng dụng xã hội cao như chống ngập thành phố, ứng dụng đám mây cho chính phủ… để công nghệ tiếp tục đi vào ứng dụng phục vụ tốt hơn đời sống xã hội.
BÁ TÂN thực hiện