
90-95% bệnh mạch vành liên quan đến quá trình xơ vữa động mạch, làm lắng đọng cholesterol trong thành mạch, gây ra nhiều biến chứng khác nhau (nhẹ là thiếu máu cơ tim mãn, nặng là nhồi máu cơ tim cấp).

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành gồm có: béo phì, tuổi tác, không hoạt động thể lực, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, tiền cao huyết áp, đái tháo đường và yếu tố mãn kinh ở phụ nữ. Về biểu hiện, mặc dù có thể đôi lúc không biểu hiện trên lâm sàng (như ở những người tiểu đường), nhưng triệu chứng khi mắc bệnh mạch vành thường là đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực điển hình thường ở vùng sau xương ức hay vùng trước tim với cảm giác đè nặng hay như có một sức ép lan lên cổ, vai trái và xuống cánh tay, kéo dài khoảng 2-5 phút. Đôi khi đau ngực kèm thở nhanh, nông, báo hiệu bị nhồi máu cơ tim.
Mặc dù hiện nay y học hiện đại đã nỗ lực tìm cách chữa trị bệnh mạch vành với các loại thuốc và phương pháp phẫu thuật tiên tiến, như nong động mạch bằng stent hoặc phẫu thuật bắc cầu nhằm giúp sửa chữa các nghẽn tắc trong động mạch vành, nhưng giải pháp lâu bền và hữu hiệu nhất vẫn là sự thay đổi các thói quen không tốt để bắt đầu một cuộc sống điều độ, tập thể dục, chơi thể thao, không hút thuốc, chế độ ăn cử mỡ, tránh ăn mặn… nhằm giúp có một trái tim thật khỏe mạnh và giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Những thay đổi hàng đầu cần phải thực hiện để ngăn ngừa bệnh mạch vành:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh mạch vành và các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, cholesterol máu cao,…
- Kiểm soát huyết áp, đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần.
- Kiểm tra cholesterol máu nhằm phát hiện và điều chỉnh sớm các rối loạn mỡ máu.
- Không hút thuốc. Hút thuốc và hít phải khói thuốc lá của những người nghiện là một yếu tố chính của bệnh mạch vành. Nicotin làm co thắt các mạch máu và buộc tim phải làm việc nhiều hơn. Carbon monoxide (CO) trong khói thuốc lá làm tổn thương lớp tế bào nội mạc mạch máu. Thuốc lá còn làm tình trạng tăng cholesterol máu xấu thêm, tăng tình trạng vón cục protein và lắng đọng sợi fibrin trên các mảng xơ vữa.
- Tập thể dục thường xuyên giúp giảm cân, tăng loại “mỡ tốt”, điều hòa huyết áp, tăng cường khả năng làm việc hiệu quả của tim.
- Duy trì cân nặng ở mức cho phép, không để thừa cân hoặc béo phì.
- Áp dụng chế độ ăn hợp lý, không quá nhiều mỡ và cholesterol, giảm muối (ăn nhiều muối nguy cơ cao tăng huyết áp). Cá, rau xanh và trái cây luôn là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất cần thiết, nhất là các chất chống ôxy hóa giúp bảo vệ hữu hiệu động mạch vành.
- Không để cơ thể bị stress.
TRẦN THỊ KHUÊ VY
(Bệnh viện FV)