Nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không dễ dàng vượt qua trong một sớm một chiều. Trong vòng 2 - 3 năm tới, nền kinh tế có thể vẫn phải đối mặt với tình trạng suy giảm và lạm phát, mặc dù đã có nhiều giải pháp điều hành trên nhiều mặt nhưng những “điểm nghẽn”, “cục máu đông” trong nền kinh tế vẫn còn đó.
Một điều rất đáng lo ngại là một số chính sách, giải pháp điều hành trong thời gian qua quá thiên về biện pháp hành chính, không phù hợp với kinh tế thị trường, chưa đem lại kết quả như mong muốn, hoặc không thể đi vào cuộc sống, chủ yếu do bản thân một số chính sách, giải pháp mang nặng tính mục tiêu, cùng một lúc phải đạt nhiều mục tiêu, nhưng lại không phù hợp thực tiễn cuộc sống, không phù hợp với thực lực kinh tế - tài chính của nước ta. Chúng ta làm sao có đủ lực để kích cầu nền kinh tế bằng những gói kích cầu 600 - 700 tỷ đô la như Mỹ, Nhật Bản, hay giải quyết tình trạng đóng băng bất động sản, nợ xấu, nợ công như các nước có nền kinh tế phát triển đã thực hiện.
Có thể nói, phần lớn các chính sách, giải pháp truyền thống của kinh tế thị trường đều không hiệu nghiệm với nền kinh tế vì tư duy và cách làm theo đường mòn cũ, không đổi mới. Không thể nâng cao hiệu quả đầu tư công, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nếu vẫn giữ chính sách và cách phân bổ nguồn lực, tài nguyên như cũ; vẫn giữ cơ chế độc quyền, đặc quyền cho các DNNN như trước.
Không thể xóa bỏ tận gốc nạn đầu cơ, ổn định thị trường trong nền kinh tế nói chung nếu không thay đổi căn bản một số chính sách không phù hợp với thị trường hiện hành. Từ mấy năm nay chúng ta đã nói nhiều đến tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội… nhưng nếu vẫn với tư duy cũ, xây dựng chính sách trên nếp tư duy cũ, cách làm cũ thì tất cả những chính sách đó không thể đi vào cuộc sống, dù mục tiêu tốt đẹp đến đâu cũng sẽ rơi vào tình trạng “tồn kho” như bất động sản hiện nay.
Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi căn bản tư duy, chính sách, giải pháp điều hành, cách làm, cách phân bố nguồn lực, tài nguyên đất nước theo cách khác, thông minh và hiệu quả hơn, không để lãng phí, thất thoát, tham nhũng tài sản của nhân dân, đất nước như trước đây. Do đó, vấn đề đặt ra ngay trong giai đoạn hiện nay cũng như trong trung hạn, dài hạn sắp tới là phải thay đổi cách tư duy, chính sách, giải pháp điều hành. Cần thay đổi tận gốc cách làm cũ, phân bố nguồn lực cũ, mạnh dạn bứt phá ra khỏi những vướng víu, ràng buộc của những nguyên lý, nguyên tắc không còn phù hợp với thực tiễn.
Nếu vẫn cứ kêu gọi đổi mới, cải cách, nhưng chưa thực sự thay đổi tư duy, chính sách, giải pháp điều hành, xây dựng chiến lược trên nền tư duy cũ với những mục tiêu xa vời, không tưởng, duy ý chí thì nền kinh tế có nguy cơ sa lầy vào suy giảm, lạm phát trong thời gian dài, bỏ lỡ cơ hội vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển ổn định, bền vững.
TS PHẠM MINH TRÍ