Trên nghị trường những ngày qua, đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế được bàn luận, mổ xẻ thấu đáo. Đây vừa là kỳ vọng của đại biểu, người dân vừa là mục tiêu của Đảng, Nhà nước, phải chuyển nguồn lực quốc gia từ chiều rộng sang chiều sâu. Tức nền kinh tế phát triển một cách bền vững, chất lượng sống của người dân phải song hành với từng con số tăng trưởng kinh tế. Ngân sách được tích góp từ tiền thuế của dân rót vào các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải tạo ra những thành quả, lợi ích, người dân phải sờ được, thấy được, chứ không phải là những con số vô hồn trên giấy…
Toàn bộ những mục tiêu này tuy có giải pháp, bước đi nhưng nhân lực thực hiện vẫn bị bỏ ngỏ. Đến mức có đại biểu cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc con người, cơ chế và lòng tin. Trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất quyết định sự thành công của mọi vấn đề.
Rõ ràng những sai phạm dẫn đến thất thoát tài sản quốc gia hay của công rơi vào “túi ông” từ các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước được phanh phui gần đây cho thấy việc chọn người quản lý tài sản, khai thác tài sản có vấn đề. Thực ra, bản thân cán bộ nhân viên đơn vị ấy không có tội. Chỉ có người đứng đầu, nắm quyền quyết định trong tay mới đủ “xung lực” nhấn chìm những lĩnh vực được mệnh danh là quả đấm thép của nền kinh tế. Không thể nào chấp nhận được, thu nhập của lãnh đạo gấp trăm lần nhân viên trong khi doanh nghiệp trở thành con nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, gay gắt nói: Công tác nhân sự, các quy định hiện hành và thực tiễn chưa đưa lại cho chúng ta cách tốt nhất để chọn ra được những nhà quản trị doanh nghiệp giỏi, nhà kinh doanh chuyên nghiệp. Do đó hãy khẩn trương khắc phục xu hướng đưa những công chức quản lý nhà nước không có kiến thức và năng lực kinh doanh làm lãnh đạo doanh nghiệp. Ngược lại, cần có cơ chế để lãnh đạo doanh nghiệp buộc phải gắn trách nhiệm cá nhân với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không tạo lối thoát cho họ dễ dàng chuyển sang khu vực quản lý nhà nước nếu đã để lại thất bại và thua lỗ.
Do vậy, việc nhiều đại biểu yêu cầu phải đặt con người là trọng tâm trong đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Nếu trong bộ máy vận hành của doanh nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước chọn được người năng lực, có tài thực sự thì họ cũng có thừa tự trọng để từ chức khi điều hành không hiệu quả, chứ không đến nỗi phải phát lệnh truy nã. Về công tác chọn người, bố trí cán bộ, trong Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã quy định rõ: Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác… Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.
Đây chính là “thượng phương bảo kiếm” của từng cơ quan, đơn vị trong đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế nhằm thay đổi tư duy khi chọn người, sử dụng người. Đã đến lúc phải đoạn tuyệt với cách chọn nhân sự theo kiểu tuần tự, sống lâu lên lão làng, lên rồi không chịu xuống hoặc con ông cháu cha, người nhà lãnh đạo trở thành một thứ đặc quyền… Nếu không thay đổi tư duy trong việc dùng người, e rằng kết quả tái cấu trúc nền kinh tế khó đáp ứng kỳ vọng của người dân, khó ngăn chặn và đẩy lùi những vấn nạn làm xói mòn lòng tin của xã hội.
LỘC NAM