Một tập thể gồm những thầy thuốc quân y có y đức và tay nghề vững, đến tuổi nghỉ hưu, họ từ chối mọi lời mời tiền bạc, tập trung lại hợp sức chuyên đi làm việc thiện. Đó là Ban Liên lạc truyền thống Quân y miền Đông Nam bộ, được thành lập ngày 11-12-1996 theo Quyết định số 260/QĐ-CCB của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam TPHCM.
Đoàn thầy thuốc cựu chiến binh miền Đông Nam bộ trong lần khám bệnh phát thuốc tặng quà tại tỉnh Bến Tre.
Lời thề “Vì nhân dân phục vụ”
Ngày 30-6-1997, Tiến sĩ y khoa, Thầy thuốc nhân dân, đại tá Nguyễn Sanh Dân (Năm Dân) nghỉ hưu ở tuổi 66. Biết ông nghỉ hưu, nhiều bệnh viện tư nhân, nhiều bác sĩ Việt kiều đến mời ông đứng tên làm giám đốc bệnh viện với mức lương hậu hĩnh, hoặc mời ông cùng cộng tác nhưng ông đều tìm cách từ chối khéo. Ở thời điểm ấy, không ít người lấy làm tiếc ông Năm Dân đã bỏ lỡ thời cơ làm giàu cho bản thân và gia đình. Khi Ban Liên lạc truyền thống Quân y miền Đông Nam bộ (gọi tắt là Ban liên lạc) thành lập, ông vui vẻ nhận chức vụ Phó ban liên lạc (nay là Trưởng ban).
Gần 20 năm qua, may mắn có cơ duyên, tôi thường được đi theo các đoàn thầy thuốc cựu chiến binh làm từ thiện. Hỏi thăm mới biết rằng đoàn thầy thuốc này có hàng chục, hàng trăm bác sĩ, dược sĩ tuổi sàn sàn ông Năm Dân, cũng thuộc hàng “nặng ký”. Họ từng là các giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, chủ nhiệm các khoa, bác sĩ chuyên trách về sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, chỉ huy trưởng Học viện Quân y phía Nam… Dù công tác ở nhiều đơn vị khác nhau nhưng tất cả lại có cùng một điểm chung: Không mặn mòi với việc mở phòng mạch tư, không hợp tác với ai để làm kiếm tiền cho riêng bản thân mình. Họ đồng quan điểm với điều ông Năm Dân bày tỏ: “Thường có câu “Có tiền có tất cả”! Nhưng tôi lại nghĩ khác. Công ơn to lớn của Đảng, Bác Hồ, Quân đội và ngành Y đào tạo nghiệp vụ cho mình. Tại sao không nghĩ đến điều gì để tri ân, đáp nghĩa mà lại đi làm tư kiếm tiền. Tiền thì ai cũng cần. Nhưng với tôi tiền không phải là mối quan tâm số một”. Ban liên lạc có 26 thành viên, trong đó 6 người thường trực, đại diện cho hơn 6.000 cựu chiến binh quân y trên địa bàn Quân khu 7. Tại TPHCM, có 50 bác sĩ, dược sĩ là cán bộ của các bệnh viện và đội điều trị thuộc Cục Hậu cần Miền (B2), khi nghỉ hưu đã tham gia làm nòng cốt trong Ban liên lạc.
Thế hệ thầy thuốc này có nhiều điểm giống nhau: trọng danh dự, đoàn kết thương yêu nhau, sống có nghĩa có tình như thuở trong quân ngũ. Nhiều người có công lớn trong cuộc chiến tranh nhưng họ sống bình dị, hòa hợp, không công thần, khoe khoang, luôn mở rộng tấm lòng “Lương y như từ mẫu” và nhất là luôn tuân thủ lời thề “Vì nhân dân phục vụ”. Tích cực vận động các nguồn tài trợ tạo kinh phí để tổ chức khám chữa bệnh từ thiện cho đồng bào và đồng đội ở vùng chiến khu xưa, gần 20 năm qua, đoàn thầy thuốc quân y cựu chiến binh miền Đông Nam bộ đã thực hiện 27 đợt khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho 11.850 người là đối tượng gia đình chính sách, neo đơn, khó khăn, gia đình cựu chiến binh… với tổng chi phí hơn 2,5 tỷ đồng.
Nghĩa tình đồng đội
Một nghĩa cử cao đẹp khác của Ban liên lạc là vận động xây dựng Nhà tưởng niệm hơn 9.000 liệt sĩ quân y, dân y và thương binh, bệnh binh hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại miền Đông Nam bộ, nay chưa tìm thấy hài cốt. Nhiều lần chứng kiến hình ảnh, nỗi đau của thân nhân các anh hùng liệt sĩ lặn lội từ mọi miền Tổ quốc đến tìm kiếm hài cốt người thân, Ban liên lạc nảy ra ý tưởng và thống nhất chủ động lập dự án xây dựng Nhà tưởng niệm tại cụm di tích lịch sử Cục Hậu cần Miền ở xã Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), trình các cấp có thẩm quyền và được phê duyệt.
Bắt tay vào làm, cái khó trước tiên là kinh phí. Với phương thức chung tay vận động, quyên góp từ những tấm lòng vàng trong và ngoài quân đội, 26 thành viên trong Ban liên lạc gương mẫu đi đầu, nhiệt tình đóng góp bằng lương hưu (có 7 người ủng hộ từ 2 - 3 tháng lương hưu, ông Nguyễn Sanh Dân ủng hộ 23 triệu đồng, tất cả được 120 triệu đồng). Tiếng lành đồn xa, cả nước biết nghĩa cử này và chung tay góp sức. Tính đến ngày 30-4-2012, đã có hơn 500 tấm lòng vàng tổ chức và cá nhân ủng hộ hơn 2,5 tỷ đồng. Sau gần 5 năm kể từ khi lập dự án, công trình Nhà tưởng niệm đã hoàn thành, nằm trong “Cụm Di tích lịch sử Cục Hậu cần Miền” tại ấp Hiệp Hòa, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ngày 10-3-2014, Bộ VH-TT-DL có quyết định công nhận cấp quốc gia cụm di tích lịch sử này, trong đó có Nhà tưởng niệm. Trong bài diễn văn đọc tại lễ hoàn thiện công trình, đại tá Nguyễn Sanh Dân đã nói lên những lời tri ân chân thành: “Bây giờ tuổi tác và sức khỏe không cho phép xông pha như trước, nhưng chúng tôi vẫn muốn làm được việc gì đó để tri ân đồng đội. Công trình này là một trong những việc làm tri ân đó. Dẫu những việc chúng tôi làm được chưa nhiều, chưa xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ nhưng tôi tin rằng ngôi nhà tưởng niệm này sẽ là nơi hội tụ linh thiêng, nơi gặp gỡ của chúng tôi với đồng đội năm xưa…”.
Học Bác, các thầy thuốc về hưu đi làm việc thiện. Lời dạy của Bác đã thấm vào máu thịt, những thầy thuốc này nguyện suốt đời theo gương Bác
NGUYỄN THẾ KỶ