Thời công nghệ thông tin bùng nổ và mạng xã hội – Facebook (gọi vui là phây) nở rộ, mối quan hệ thầy trò trở nên gần gũi, thân mật hơn. Nhờ sự kết nối của Facebook, những thông tin mang tính sẻ chia, trải lòng và bộc bạch mọi điều muốn nói được mở hết cỡ. Nhờ “phây”, trò biết thầy cô đang làm gì, nghĩ gì, kể cả bực tức ai, chán chường điều gì… Nhờ “phây”, thầy cô cũng dễ biết trò nào ham học, ham chơi và đang có vấn đề vướng mắc, kể cả không hài lòng về cách ứng xử của người dạy, sự thiếu công bằng trong đánh giá học trò. Cũng nhờ “phây”, nhiều vấn đề được thông tin trao đổi nhanh hơn, hiệu quả hơn. Ở nhiều trường THPT đã hình thành những nhóm Facebook hoạt động tích cực, trao đổi kinh nghiệm học tập các môn Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh văn. Nhiều thầy, cô giáo tham gia “phây” nhưng cẩn trọng và có chọn lựa thông tin, hình ảnh, sự kiện khi đưa lên và nó giúp học trò thích thú với những sẻ chia mới lạ…
Không thể phủ nhận những mặt tích cực của “phây” và sự lan tỏa những thông tin có giá trị giáo dục, định hướng sống tốt, sống có ý nghĩa cho giới trẻ của “phây”. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều hiệu trưởng-các nhà quản lý giáo dục cảm thấy đau đầu khi trên “phây” xuất hiện tình trạng “thầy nói xấu thầy hoặc thầy nói xấu trò và ngược lại”. Một hiệu trưởng trường THPT giãi bày nỗi khổ khi có nhiều giáo viên mượn diễn đàn mạng nói xấu đồng nghiệp hoặc đưa ra những nhận xét mang tính tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường sư phạm, học đường. Nhiều học trò vô tư bình luận, bàn tán những thổ lộ, tâm sự không có giới hạn của thầy cô. Không những thế, có trò còn mượn diễn đàn nói xấu hoặc lên án thầy cô thế này thế nọ. Tất nhiên “có lửa mới có khói”, nhưng chuyện đúng sai chưa phân định thì có nên tung lên mạng để cả làng cùng phán xét?
Điều này cho thấy môi trường sư phạm lẫn học đường đang phải đối mặt với nhiều thách thức, lo ngại. Nhiều hiệu trưởng tỏ ra lúng túng không biết cách xử lý giáo viên, học sinh như thế nào khi quan hệ thầy trò từ thật thành ảo và hậu quả gây ra thật khó lường. Tuy cảnh báo và có biện pháp theo dõi, kiểm soát nhưng các nhà quản lý giáo dục cũng đành bó tay trước diễn biến phức tạp của thông tin trên mạng xã hội. Điều này đòi hỏi các trường phải xây dựng văn hóa khi tham gia Facebook và định hướng cho giáo viên, học trò biết dừng đúng mức, chọn lọc khi đưa những thông tin cá nhân, quan điểm riêng lên mạng. Việc tung hứng hoặc đi quá xa sẽ khiến quan hệ thầy trò trở nên lỏng lẻo, mất tính mô phạm cần thiết. Khi phát hiện trên Facebook có những thông tin xấu, ảnh hưởng đến quan hệ thầy trò, môi trường học đường thì nhà trường phải kiểm soát, xử lý ngay. Đừng để những tin xấu lan truyền ảnh hưởng đến môi trường sư phạm và học đường.
DIỆU THANH