Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981
Sáng 16-7, các hãng tin lớn và các báo mạng trên thế giới đã kịp thời thông tin về việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Mặc dù xem đây là hành động có thể giảm căng thẳng trên biển Đông, song dư luận đều thận trọng về các bước đi kế tiếp của Trung Quốc.
Giảm căng thẳng, đối đầu
Hầu hết các hãng tin đều dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã, theo đó đăng thông báo của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) ngày 15-7 cho biết giàn khoan Hải Dương-981 đã hoàn thành việc khoan và thăm dò tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở biển Đông. Thông báo cho biết sau thời gian thăm dò, có dấu hiệu của dầu và khí đốt, CNPC sẽ đánh giá dữ liệu thu thập được và sẽ quyết định bước kế tiếp. Cũng theo thông báo này, giàn khoan Hải Dương-981 sẽ được neo và hoạt động ở gần đảo Hải Nam.
Hãng Bloomberg đưa tin: Một công ty dầu khí của Trung Quốc đã hoàn tất khoan tại vùng biển ngoài khơi Việt Nam, đã di chuyển giàn khoan vốn gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Các hãng tin cũng dẫn các ý kiến chuyên gia cho biết siêu bão Rammasun đang tràn vào hướng đảo Hoàng Sa, là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 sớm hơn dự kiến. Reuters nhận định việc Trung Quốc di dời giàn khoan Hải Dương-981 có thể giúp giảm căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ được Mỹ hoan nghênh.
Sẽ còn bất ngờ khác?
Báo New York Times (Mỹ) dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đánh giá Trung Quốc rút giàn khoan và đưa ra tuyên bố đã hoàn thành việc thăm dò nhằm gỡ gạc thể diện sau 2 tháng đối đầu căng thẳng với Việt Nam.
Các báo The Guardian, Business Times (Ấn Độ), Bangkok Post của Thái Lan đều thông tin về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục đại của Việt Nam. Tuy nhiên, các tờ báo này dẫn lời các chuyên gia cho rằng động thái này chưa thể giúp cải thiện quan hệ với Việt Nam vì Trung Quốc có thể còn nhiều hành động bất ngờ khác. Báo South China Morning Post viết: trong khi Trung Quốc di dời giàn khoan trị giá 1 tỷ USD có thể giúp giảm nguy cơ đối đầu quân sự khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16-7 cho rằng việc di chuyển giàn khoan này không được xem là bước lùi.
Hãng tin AP của Mỹ viết: việc Trung Quốc rút giàn khoan không thể chứng tỏ Bắc Kinh sẽ dừng các hoạt động thăm dò trong các vùng biển mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ, bất chấp các chỉ trích quốc tế và khu vực xem đó là những hành động khiêu khích. AP trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc rút giàn khoan này vì mùa bão bắt đầu và vì hoạt động thăm dò đã hoàn tất.
THỤY VŨ (tổng hợp)
- Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan quay trở lại