
Sáng nay, 12-9, hãng tin AP vừa thu thập thêm một bằng chứng về cách đối xử phân biệt và tàn bạo với tù nhân tại nhà tù Guantanamo. Mỹ vẫn cố tình né tránh yêu cầu của thế giới thúc giục đóng cửa nhà tù khét tiếng vì những đối xử vi phạm nhân quyền này.
Địa ngục trần gian ở Guantanamo
Cuộn băng AP vừa có được cho thấy nhiều tù nhân bị “ném” vào trong những thùng rác, thùng phân hoặc bị những người canh gác khạc nhổ, các tù nhân bị lính canh làm gián đoạn các buổi cầu nguyện. Trong giờ cầu nguyện, các loa phóng thanh được đặt cạnh các trại giam lại phát inh ỏi những kêu gọi, nhắc nhở linh tinh. Để được cấp thuốc, tù nhân buộc phải nằm trong khi bị thẩm vấn…

Biểu tình tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 11-9, kêu gọi Mỹ đóng cửa nhà tù Guantanamo
Dù giới chức Mỹ cho biết nhà tù Guantanamo đã trở nên khá yên tĩnh hơn so với năm ngoái, báo cáo được trung tâm giam giữ này công bố hồi tháng trước cho thấy tình trạng hỗn loạn hàng loạt đang tăng nhanh hơn năm 2006. Sau trường hợp 3 tù nhân tự tử hồi năm ngoái, ngày 30-5 qua, một tù nhân cũng đã tự tử. Nhiều tù nhân khác cũng đang nuôi ý định tự tử bằng uống thuốc quá liều (thuốc tích trữ dần dần). Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của hãng tin AP, người phát ngôn của nhà tù Guantanamo, ông Edward Bush, bác bỏ cáo buộc các bác sĩ đã không cung cấp thuốc đầy đủ cho tù nhân. Ông chỉ hứa sẽ điều tra lại vụ quấy rối giờ cầu nguyện và bắt phải nằm khi thẩm vấn.
Trong một lá thư, với khoảng 260 chữ ký của các bác sĩ từ khắp thế giới, vừa được đăng trên tạp chí Y khoa The Lancet của Anh hồi cuối tuần trước, đã so sánh vai trò của các bác sĩ tại nhà tù Guantanamo như các bác sĩ Nam Phi có liên quan nhân vật chống chế độ phân biệt chủng tộc Steve Biki, người bị đánh và bị tra tấn cho đến chết trong khi bị giam giữ vào năm 1977. Lá thư trên cáo buộc rằng Mỹ muốn “bịt mắt” thế giới bằng vai trò của các bác sĩ tại nhà tù Guantanamo.
Phớt lờ thỉnh cầu của thế giới
Trước sức ép của thế giới, một giải pháp được đưa ra là biến Fort Leavenworth, nằm cách thành phố Kansas 48km về phía Tây Bắc, là nơi giam giữ mới. Cơ quan lập pháp Mỹ cũng đưa ra một dự luật trao quyền lợi mới cho những người bị giam tại Guantanamo, gồm cả việc cho phép luật sư tiếp cận với các tù nhân không kể là họ đã bị ra tòa hay chưa. Ngoài ra, còn có quy định cho phép tù nhân được phản đối việc giam cầm họ tại tòa án liên bang, hành động vốn bị cấm trong thời điểm hiện nay.
Nghị viện châu Âu cũng ra một nghị quyết yêu cầu Washington đóng cửa trung tâm giam giữ nghi phạm khủng bố tại Guantanamo. Bản nghị quyết một lần nữa khẳng định rằng các tù nhân tại Guantanamo cần phải được đối xử theo luật pháp quốc tế và nếu bị kết tội, phải được xét xử bởi một phiên tòa độc lập, công bằng và nhanh chóng. Mặc dù sức ép thế giới phải đóng cửa Guantanamo ngày càng tăng nhưng cho đến nay Chính phủ Mỹ vẫn chưa có động tĩnh gì.
Nhà tù trên Vịnh Guantanamo hiện giam giữ 380 nghi phạm khủng bố. Đây là mục tiêu bị chỉ trích cả ở trong và ngoài nước Mỹ. Nhà tù này được dựng lên năm 2002 chuyên giữ những nghi phạm khủng bố bị bắt trong các chiến dịch quân sự, hầu hết là ở Afghanistan, do bị nghi ngờ là thành viên của tổ chức khủng bố al-Qaeda và chiến binh Taliban. Do Guantanamo ở Cuba nên chính quyền Mỹ lập luận rằng các tù nhân không được hưởng các quyền lợi lẫn sự bảo vệ như những đối tượng bị giam ở Mỹ. |
Hạnh Chi (theo AP, Reuters)