Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước đang đứng trước nhiều áp lực cho bài toán đầu vào. Không chỉ căng mình tính toán tìm cách tồn tại, có được lợi nhuận trước cơn bão giá, doanh nghiệp còn phải cõng thêm nhiều khoản phí… lạ, có thể nói là trên trời rơi xuống!
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, từ giữa tháng 3-2011 đến nay, khi có sự điều chỉnh giá xăng dầu, các hãng tàu, đại lý vận tải bắt doanh nghiệp nhận hàng phải chịu thêm phí phát sinh gọi là phí cân bằng (phụ trội) hàng nhập.
Các doanh nghiệp đưa ra ví dụ, một tàu chở 100 container đầy hàng từ nước ngoài về Việt Nam giao nhưng khi rời cảng Việt Nam chỉ chở được 70 container hàng, 30 container còn lại rỗng! Phí cân bằng hàng nhập này được tính cho 30 container không có hàng?! Ngoài mức phí hàng hóa phải trả theo quy định, doanh nghiệp phải trả thêm 30 USD/container loại 20 feet, 60 USD/container loại 40 feet, hàng lẻ từ 3 – 5 USD/khối.
Rõ ràng, phí phát sinh kể trên chẳng khác nào “luật rừng” mà các hãng tàu, đại lý vận tải - bên nắm đằng cán đặt ra, bắt ép doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu, nhận nguyên liệu từ nước ngoài vào để sản xuất trong nước không đóng mức phí này thì xem như không thể nhận hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải chịu để hàng hóa được giao đúng thời gian đã ký trên hợp đồng.
Không chỉ chịu những khoản phí mới phát sinh bất hợp lý trên mà các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đang gánh nhiều khoản phí thay cho các đối tác từ nước ngoài.
Ông Nhữ Hồng Hanh, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Tổng Công ty CP May Việt Tiến, khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước cần kiểm tra rõ vì nhiều đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu ở nước ngoài đang đẩy phần đóng phí cho các doanh nghiệp nhận hàng trong nước. Về nguyên tắc, bên gửi hàng sẽ phải chịu phí nhưng có thể do cạnh tranh, các hãng tàu muốn thu hút người gửi bằng cách nhận chuyển phí qua cho bên nhận. Thực tế, khi nhìn những con số khác thường từ những hóa đơn thanh toán, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới phát hiện bên phía đối tác gửi hàng không gửi phí vận chuyển cho hãng tàu, đại lý vận tải mà đẩy về cho doanh nghiệp mua hàng ở Việt Nam.
Ngoài những chi phí mới kể trên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đã và đang phải cõng trên lưng nhiều loại phí trong luồng lẫn ngoài luồng. Theo tính toán của các doanh nghiệp dệt may, với quá nhiều loại phí, phí chồng phí như hiện nay đã đẩy chi phí của một container hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với năm 2010. Hiện nay mức phí doanh nghiệp phải trả cho một container khoảng 10 triệu đồng, so với mức 2 - 3 triệu đồng của năm trước đây.
HÀ NHAI