Theo nhịp tàu đi - Bài 2: Áp lực ở đầu tàu

Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, ngành đường sắt Việt Nam đã có nhiều chuyển biến - nhất là từ thời kỳ đổi mới. Từ cơ chế “bao cấp, xin cho” chuyển sang dịch vụ toàn diện, đường sắt Việt Nam hôm nay lịch lãm hơn. Nhưng vẫn còn đó nhiều gập ghềnh về cơ sở hạ tầng đường sắt. Hàng ngàn đường ngang dân sinh, những cây cầu chung và ý thức của người dân sinh sống dọc khoảng 2.600km đường tàu… đang gây khó khăn trực tiếp cho người lái tàu.
Theo nhịp tàu đi - Bài 2: Áp lực ở đầu tàu

Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, ngành đường sắt Việt Nam đã có nhiều chuyển biến - nhất là từ thời kỳ đổi mới. Từ cơ chế “bao cấp, xin cho” chuyển sang dịch vụ toàn diện, đường sắt Việt Nam hôm nay lịch lãm hơn. Nhưng vẫn còn đó nhiều gập ghềnh về cơ sở hạ tầng đường sắt. Hàng ngàn đường ngang dân sinh, những cây cầu chung và ý thức của người dân sinh sống dọc khoảng 2.600km đường tàu… đang gây khó khăn trực tiếp cho người lái tàu.

        100 năm cầu vẫn gập ghềnh!

Theo tư liệu, ngày 20-7-1885, chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn vượt sông Vàm Cỏ Đông rồi tiếp tục đến ga cuối cùng ở trung tâm thành phố Mỹ Tho. Đây là cột mốc cho sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam. Từ đó đến các năm đầu của thế kỷ 20, Pháp xây dựng hệ thống đường sắt từ Bắc vào Nam, nhưng chủ yếu nhằm phục vụ công cuộc cai trị và khai thác thuộc địa. Những năm sau này, các công trình phục vụ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa của đường sắt Việt Nam mới phát triển. Nhiều đầu máy mới được đầu tư, toa xe hiện đại, máy điều hòa toàn tàu; hạ tầng tín hiệu giao thông, đường ray được thay mới…

Nhưng vẫn còn đó nhiều đường ngang băng qua đường sắt; cầu chung đường sắt và đường bộ. Theo thống kê, hệ thống đường sắt Việt Nam có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp; hơn 4.000 đường ngang bất hợp pháp; hơn 300km đường bộ chạy song song, liền kề đường sắt cùng mức, hoặc đường bộ cao hơn đường sắt. Đó là chưa tính 1.790 cầu đường sắt, 11 cầu chung đường sắt - đường bộ (trong đó tuyến Bắc Nam có 4 cầu chung). Và chúng tôi đã trải qua những giây phút “đứng hình” khi ngồi ở đầu tàu.

Nhân viên đường sắt đang kiểm tra an toàn đầu tàu.

Nhân viên đường sắt đang kiểm tra an toàn đầu tàu.

23 giờ, tàu SE4 chuyển bánh rời ga Sài Gòn. Hơn 30 phút sau, tàu vào khu vực cầu Ghềnh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - địa điểm mà cách đây gần 3 năm, một vụ TNGT đường sắt xảy ra làm chết 2 người và hư hỏng 6 xe ô tô. Vẫn điệp khúc cũ giữa lái chính và lái phụ. Tàu nhấn còi inh ỏi, lái chính hô to: “Đèn chuẩn bị vào cầu!”. Lái phụ liền đáp: “Chuẩn bị vào cầu!”. Chớp mắt, tàu chạy qua một khúc cua, tín hiệu đèn tiếp tục xanh. Lái phụ hô to: “Cho phép vào cầu!”. “Vào cầu”. Tích tắc sau, chúng tôi đã nghe tiếng rầm rập vang dội, tàu từ từ tiến qua cầu Ghềnh. Tàu vừa qua khỏi chân cầu. Lái phụ đứng dậy và hô to: “Chú ý phía trước. Kiểm tra phía sau!”. Sau khi nhoài đầu ra ngoài cửa sổ và nhìn phía sau đoàn tàu, lái phụ hô: “Phía sau an toàn”. Vẫn nhấn còi inh ỏi, lái chính hô theo: “Phía sau an toàn!”.

Anh Nguyễn Công Ty, chuyên viên an toàn giao thông, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, cho biết: “Công tác “hô đáp” là một trong hàng loạt công tác thực hiện quy trình lái tàu an toàn. Ngoài việc trên, lái chính và lái phụ phải quan sát các đồng hồ báo gió, báo nhiên liệu, sức ép… ở phía trước mình. Rồi quan sát các tín hiệu đèn, biển báo, gác chắn… dưới đường tàu. Đó là chưa kể hệ thống “chống buồn ngủ” ở chân trái hay nút đỏ trước mặt lái chính, lái phụ cũng tham gia quy trình an toàn này!”. Rõ ràng, khi tàu vận hành thì lái chính và lái phụ mệt nhất. Tay phải điều khiển cần hãm, tay trái vận hành tốc độ; chân phải đạp còi và chân trái nhấn nút chống buồn ngủ. Đối với thiết bị đặc biệt chống buồn ngủ, nếu trong vòng 2 phút, lái chính, lái phụ không nhấn thì sẽ có chuông báo động và chỉ 8 giây sau, nếu không nhận được tín hiệu thì máy sẽ tạm dừng hẳn.

        Đêm khuya không vắng người!

Nhiệt độ bên ngoài xuống rất thấp. Qua ánh đèn pha cực sáng, chúng tôi lờ mờ trông thấy sương giăng là đà trên ngọn cỏ. Nhưng không khí bên trong đầu tàu nóng hầm hập. Cái nóng của công việc căng thẳng, khiến chúng tôi quên mất cái lạnh đang ập vào khu vực đầu tàu. Tàu băng băng xuyên qua đêm tối, trong rừng lá dày đặc, nhưng tiếng còi tàu vẫn liên tục phát ra. Hình như các phương tiện vẫn lưu thông trên đường bộ rất bình thường. Tàu rùng mình vào khu vực Dầu Giây, khu vực dân cư với nhiều đường ngang không gác chắn.

Trời đã khuya, nhưng suốt dọc khu này, chúng tôi phát hiện nhiều người dân lửng thửng đi qua đường sắt. Không ít lần, các xe gắn máy vẫn cố trườn qua đường ray, dù đoàn tàu đang rùng rùng phóng về phía trước trong tiếng còi chát chúa. Vận tốc tàu chạy qua những đoạn khu dân cư không cao, chỉ khoảng 30 - 40 km/giờ, nhưng chúng tôi có cảm giác đoàn tàu phóng khá nhanh. Theo quy định, trước khi vào ga sẽ có đèn tín hiệu thông báo. Qua khỏi cột đèn này 800m sẽ có cột đèn phát tín hiệu cho vào ga và hướng đường ray của đoàn tàu khi vào ga. Khoảng cách như vậy, nhưng chỉ cần vài cái chớp mắt là tới nơi. Trời dần sáng tỏ khi qua các ga Sông Mao, Tháp Chàm, Ngã Ba… Gần 6 giờ, tàu đến ga Nha Trang. Tính đến thời điểm này, đã đổi 3 lần lái tàu. Lái chính Tống Danh Thanh và lái phụ Phan Phương Hùng tiếp ca, tươi cười chào chúng tôi.

Một vụ TNGT đường sắt tại cột mốc 1.200+300, cách ga Tuy Hòa khoảng 12 km.

Một vụ TNGT đường sắt tại cột mốc 1.200+300, cách ga Tuy Hòa khoảng 12 km.

Hơn 10 năm, lái tàu đoạn Nha Trang - Diêu Trì, hành trình khoảng 3 giờ 19 phút, lái chính Tống Danh Thanh đã quá quen thuộc và nhớ rõ từng đoạn đường tàu. Dù trong quy trình “hô đáp”, lái phụ cầm sổ hành trình và thường xuyên nhắc tốc độ, nhưng lái tàu đã quá quen. Thậm chí, đoạn nào có độ dốc, độ nghiêng bao nhiêu lái chính cũng nắm bắt rành rẽ và điều chỉnh rất kịp thời. Trời sáng tỏ, tàu rời ga Ninh Hòa vào khu dân cư, tốc độ giảm dần, tiếng còi tàu thúc giục vội vã hơn. Đến khu Phú Hiệp - Đồng Tác, khu vực cây số 1.200, lái chính Tống Danh Thanh phát hiện một người đang lững thững đi trên lớp đá xanh dày đặc sát đường tàu. Anh Thanh bấm còi liên tục và giảm tốc độ. Lái phụ Phan Phương Hùng nhoài đầu ra cửa sổ thét thất thanh. Bóng người phía trước vẫn bước đi. Khoảng cách càng gần, mùi bố thắng bốc ra khét lẹt. Một va chạm nhẹ ở phía phải đầu tàu. Đoàn tàu dừng hẳn. Vị trí xảy ra sự cố tại cột mốc 1.200+300, cách ga Tuy Hòa khoảng 12km. Không khí ở đầu tàu chùng hẳn xuống. Lái chính Thanh châm thuốc rít liên tục. Trưởng tàu Lâm Đình Quảng cùng các nhân viên rời tàu, chạy nhanh về phía người gặp nạn. Đó là khoảng 7 giờ 28 phút ngày 13-12. Với những gì chứng kiến, tôi lặng lẽ leo xuống đất, đi tới hiện trường. Cụ bà hơn 60 tuổi nằm bất động cách đường tàu khoảng 3m. Qua khám nghiệm ban đầu, anh Quảng, trưởng tàu lấy vội tấm vải màu trắng đắp lên cho nạn nhân…

Bài 3: Mong ước không của riêng ai

TƯỜNG LỘC - ĐOÀN HIỆP - THƯ NAM

- Bài 1: Cảm nhận tàu đêm

Tin cùng chuyên mục