Thí điểm hay “thí nghiệm”?

Mới đây, đề xuất chi hàng ngàn tỷ đồng để thay thế sách giáo khoa (SGK) điện tử tại hội thảo “Đề án thí điểm chương trình SGK điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học ở TPHCM” lại gây “dị ứng” đối với dư luận xã hội. Không chỉ băn khoăn về khoản kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị không nhỏ (khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng), nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục quận, huyện lo ngại sẽ phát sinh sự thiếu công bằng trong môi trường giáo dục. Với phương thức đầu tư kết hợp xã hội hóa (khoảng 30%) và học sinh tự trang bị máy tính bảng, sẽ có nhiều học sinh con nhà nghèo - không có điều kiện - sẽ bị gạt khỏi chương trình. Như thế, trong khi bạn bè cùng trang lứa hào hứng đón nhận cơ hội tiếp cận với công nghệ giáo dục hiện đại - SGK điện tử - thì nhiều học trò nghèo phải ngậm ngùi, tủi phận.

Không thể phủ nhận tác động to lớn của công nghệ thông tin đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội ở thế kỷ 21, trong đó giải pháp xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, áp dụng SGK điện tử… đang là xu thế lựa chọn của nhiều nước phát triển. Thay vì phải nặng nề mang vác đủ thứ sách vở, tài liệu tham khảo, đồ dùng học tập… đến lớp, học sinh của họ chỉ cần mang theo một chiếc máy tính bảng có kết nối với internet là có thể khám phá cả thế giới.

Cũng vì mong muốn làm nhẹ đôi vai học trò, UBND TPHCM đã “thai nghén” đề án thí điểm như nêu trên. Thế nhưng, góp ý cho đề án, ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT lại tỏ ra quan ngại. Ông nói rằng phải bỏ ra cả ngàn tỷ đồng nhưng nội dung đổi mới SGK chưa được làm rõ và trong đó phụ huynh, học sinh, giáo viên lẫn xã hội được lợi gì thì chưa rõ. Đó là chưa kể, đề án này cũng chưa trình lên Bộ GD-ĐT nên cơ quan đại diện chưa thể bày tỏ quan điểm.

Không những thế, điều khiến các nhà quản lý giáo dục lo ngại chính là việc học sinh lớp 1, 2, 3 ở độ tuổi còn nhỏ và việc “bị” đem ra làm thí điểm sẽ phát sinh nhiều bất lợi, khó kiểm soát. Hơn nữa, cần làm rõ việc áp dụng công nghệ mới sẽ mang lại hiệu quả giáo dục tối ưu, vượt trội phương pháp truyền thống như thế nào?

Nhìn lại thực tế, TPHCM luôn tiên phong trong việc áp dụng công nghệ, phương pháp dạy - học theo mô hình tiên tiến và đã thu được những kết quả nhất định. Điển hình như nhờ triển khai nhiều chương trình thí điểm về dạy và học ngoại ngữ như tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn, học các môn Toán, khoa học bằng tiếng Anh, chương trình tiếng Anh Cambridge, mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh TPHCM cao hơn nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, mạnh dạn thí điểm nhiều mô hình, chương trình giáo dục tiên tiến của TPHCM cũng gây nhiều tranh cãi, thậm chí là quan điểm trái chiều về sự công bằng trong môi trường học đường. Đó là có nên lấy cơ sở vật chất - những trường học tốt nhất để thực hiện chủ trương xã hội hóa? Việc huy động sức dân đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước là cần thiết, nhưng nó không được tạo ra hố sâu bất bình đẳng. Bởi lẽ, mọi học sinh đều có giá trị như nhau và được quyền thụ hưởng cơ hội đồng đều như nhau. Vì thế, tạo ra sự khác biệt trong môi trường giáo dục sẽ làm mất đi giá trị nhân bản nói chung và trách nhiệm của chúng ta là tìm giải pháp phù hợp để xóa đi sự cách biệt này.

Có lẽ rất nhiều phụ huynh có con đang ở độ tuổi đi học của Việt Nam cũng giật mình với hai từ “thí điểm” thường xuyên xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục, nhất là bậc tiểu học. Với mong muốn đổi mới giáo dục, tiếp cận các chương trình giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều mô hình như “Bàn tay nặn bột”, “Trường học mới VNEN”… Song song đó là đề án quốc gia thí điểm dạy và học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế (gọi tắt là Đề án 2020) được triển khai từ năm học 2010 - 2011 và đang nhắm đến diện rộng.

Trước thực tế nền giáo dục Việt Nam đang loay hoay tìm hướng đi đổi mới căn bản, việc tham khảo kinh nghiệm, mô hình giáo dục tiên tiến của các nước để áp dụng hiệu quả vào chúng ta là cần thiết. Thế nhưng, mọi động thái thí điểm, áp dụng chương trình, SGK… cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu sâu, thẩm định về chuyên môn, có giá trị về mặt khoa học, ứng dụng hiệu quả thì mới triển khai.

Với vai trò đầu tàu, Bộ GD-ĐT phải chủ động nghiên cứu các đề án, mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại và bật đèn xanh cho các tỉnh, TP có điều kiện thực hiện trước, không nên để mỗi tỉnh tự bơi, tự tìm hướng đi. Với cách làm manh mún, lấy danh nghĩa đổi mới giáo dục như hiện nay, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT phải chấn chỉnh, thậm chí thổi còi ngay nếu thấy chưa phù hợp. Đừng đem học trò ra làm vật thí nghiệm và đến khi không thể thí nghiệm tiếp thì lại tuyên bố “ngưng đột ngột” khiến người học và xã hội đều “sốc”. Và cuối cùng học trò lãnh đủ thiệt thòi…

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục