Theo báo cáo nghiên cứu về thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2014 của Tổ chức tư vấn AT Kearney (Mỹ), thị trường bán lẻ Việt Nam - một thị trường đang phát triển với gần 90 triệu dân - được coi có mức tăng trưởng rất hấp dẫn (đến 23%/năm). Ở thời điểm này, dù mức tăng trưởng thực tế không cao đến như vậy nhưng hàng loạt nhà đầu tư ngoại đã và đang tiếp tục hành trình thâm nhập và chinh phục thị trường Việt Nam. Đâu là “đấu pháp” của các doanh nghiệp Việt trước làn sóng này? TS Nguyễn Ngọc Hòa trả lời câu hỏi này với tư cách vừa là một chuyên gia kinh tế vừa là “người trong cuộc”.
Những đối thủ đáng gờm...
Chuyện các tập đoàn bán lẻ “cá mập” thâm nhập thị trường Việt Nam là một xu thế đang diễn ra và không thể ngăn cản được, vì Việt Nam đã hội nhập, mở cửa. Nhìn từ phía các doanh nghiệp Việt, chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ đáng gờm này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay: kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đang đình trệ.
Tại sao bất động sản có liên quan? Vì trước khi thị trường này bị đóng băng thì các nhà bán lẻ như chúng tôi có thể đi thuê mặt bằng khá dễ dàng, nhờ đó không phải đầu tư vốn lớn cho khâu này. Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Áp lực thanh khoản khiến các nhà kinh doanh bất động sản có xu hướng không muốn cho thuê mà bán đứt tài sản để trả nợ cho ngân hàng. Do đó các nhà bán lẻ Việt Nam đang phải đối diện với áp lực vốn rất lớn so với trước đây để thu xếp mặt bằng. Nói cách khác, trước đây chúng tôi không phải ra vốn nhiều cho phần cứng, nhưng bây giờ phải ra vốn cho cả phần cứng lẫn phần mềm. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính dồi dào hơn; khi cần vốn họ có thể huy động được nguồn vốn ở nước họ với lãi suất rất thấp, thấp hơn mặt bằng lãi suất ở Việt Nam nhiều.
Thêm vào đó, lo ngại về nguy cơ bị “thôn tính”, xóa sổ thương hiệu của một số doanh nghiệp Việt cũng không phải không có cơ sở. Đã có trường hợp xảy ra như vậy.
Chiến lược chọn bạn mà chơi
Tôi cho rằng trong việc này yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội lực của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải chọn cho mình một chiến lược với những giải pháp phù hợp, căn cứ vào mục tiêu, tôn chỉ riêng. Hợp tác với nước ngoài hay không, nếu có thì hợp tác trong lĩnh vực nào và đến đâu? Phải nói thẳng là các tập đoàn bán lẻ trên thế giới với quy mô về vốn liếng, tiềm năng về công nghệ và kinh nghiệm thương trường dạn dày hàng chục, hàng trăm năm luôn luôn có nhiều lợi thế hơn và sẵn sàng nuốt chửng “ông bạn đường” nhỏ bé, nếu mình không đủ sức song hành với họ trong một chặng đường dài. Tóm lại phải lượng sức mà hoạch định chiến lược đề kháng; đặc biệt là phải khéo léo chọn bạn mà chơi!
Bản thân Co.opMart cũng có đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã thành lập Liên doanh Saigon Co.op & FairPrice và ngày 17-5 vừa rồi đã chính thức khai trương Co.opXtraplus Thủ Đức - đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Chúng tôi lựa chọn hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh đại siêu thị bởi vì đại siêu thị là mô hình kinh doanh quy mô rất lớn, cần có nguồn vốn dồi dào, đối tác giàu kinh nghiệm, nắm vững công nghệ bán lẻ hiện đại. Thứ hai, chúng tôi đã cân nhắc kỹ và lựa chọn đối tác là Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore), một hợp tác xã kinh doanh bán lẻ số 1 của Singapore. Tôn chỉ và quan điểm kinh doanh của các tổ chức hợp tác xã khác hẳn so với các tập đoàn tư bản khác; do cùng là hợp tác xã, FairPrice và Co.opMart sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung hơn.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ về tỷ lệ vốn góp. Saigon Co.op nắm giữ 64% vốn, dù đối tác sẵn sàng góp nhiều hơn, nhưng chúng tôi khống chế tỷ lệ ở mức đó và ràng buộc ngay từ đầu trong hợp đồng liên doanh là chúng tôi luôn luôn phải nắm cổ phần chi phối trong mọi trường hợp. Đó là hướng đi của chúng tôi, có thể chưa phải tối ưu đối với các doanh nghiệp khác. Nhưng nếu không muốn bị thôn tính, tôi vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa yêu cầu cực kỳ quan trọng là lựa chọn đối tác. Đi với một người khổng lồ cũng có cái hay, nhưng có cái cần phải cẩn trọng, lường trước các tình huống xảy ra với mình
| |
TS NGUYỄN NGỌC HÒA
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op).
- TS Mai Hữu Tín, ĐBQH tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư U&I: Sẽ đến lúc người Việt mua lại thương hiệu của nước ngoài
Việc nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam nên được nhìn nhận như một chuyện bình thường. Là thành viên của WTO, chúng ta ở chung trong một sân chơi với mọi người. Và khi thị trường của chúng ta hấp dẫn thì mọi người kéo đến làm ăn. Thậm chí, sáp nhập và thâu tóm (M&A) là cách tạo tăng trưởng mà các công ty lớn vẫn thường làm ở mọi thị trường. Ngay các công ty lớn trong nước của chúng ta cũng làm như vậy, trường hợp Masan là một ví dụ. Nếu một thương hiệu thật sự tốt thì sẽ khó mất đi, chỉ có chủ của thương hiệu có thể thay đổi.
Các doanh nghiệp Việt có nên ngăn chặn “làn sóng” này hay không là một việc cần suy nghĩ thêm. Có rất nhiều doanh nhân gầy dựng sự nghiệp không phải để kéo dài từ đời này qua đời khác mà chỉ để chứng minh năng lực của mình. Bán được doanh nghiệp do mình tạo ra với giá trị cao cũng có thể là mục tiêu mà doanh nhân đặt ra. Còn buộc phải bán vì thua lỗ, thất thế đương nhiên là một thất bại, nhưng lại có thể là sự khởi đầu của một doanh nghiệp mới, một thương hiệu mới. Nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển, đời sống người dân ngày một tốt hơn thì những chuyện mua bán như vậy trong thị trường cũng là điều tự nhiên. Người Trung Quốc đang mua lại nhiều thương hiệu lớn ở các nước phát triển mà cả người mua lẫn người bán đều vui. Tôi tin rồi cũng sẽ đến lúc người Việt đi mua lại thương hiệu của nước ngoài.
- Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Hưng, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart: Không ngại đối đầu doanh nghiệp ngoại
Nhiều năm qua, dù các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tiếp tục đầu tư vào VN nhưng doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước vẫn hoạt động và phát triển tốt. Họ vừa đẩy nhanh quy mô siêu thị vừa liên kết với nước ngoài để mở trung tâm thương mại. Riêng Citimart, chúng tôi không ngại đối đầu với các DN nước ngoài vì có một lượng khách hàng nhất định và mình đang ở thế “sẵn sàng chiến đấu”. Tôi không sợ bị các DN nước ngoài cạnh tranh vì sự xuất hiện của họ chính là cơ hội để mình phát triển hơn, hoàn thiện hơn. Phải “đối đầu” với họ, mới có thể biết rõ hướng đi của họ như thế nào và họ cần cái gì.
Trên thực tế, năm 2007, chúng tôi cho Giant South Asia Việt Nam thuộc tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Dairy Farm (Hong Kong) thuê một phần mặt bằng khu tự chọn tại 3 siêu thị Citimart ở TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang để họ kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện họ đã loan tin này trên báo chí rằng đã mua thương hiệu của chúng tôi. Biết rằng đây là cách để tập đoàn bán lẻ Dairy Farm bước chân vào thị trường VN nhưng thời điểm đó, chúng tôi muốn cho thuê để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành… của tập đoàn nước ngoài. Kết quả là Citimart chẳng học được gì cả. Cách làm việc, điều hành khác nhau. Đừng bao giờ nghĩ cứ cái gì của nước ngoài cũng hay, cũng giỏi, cũng thành công. Họ cũng như mình, cũng phải làm quen với mọi thứ và cũng phải chấp nhận những thách thức trong kinh doanh.
Vào giữa năm 2010, chúng tôi mạnh dạn mua lại siêu thị mini Family Mart của Malaysia. Trong kinh doanh, việc nước ngoài mua của mình và mình mua lại của nước ngoài là chuyện bình thường. Tôi chưa bao giờ nghĩ chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới thâu tóm DN trong nước mà các thương hiệu trong nước cũng có thể làm điều ngược lại. Người VN nên ủng hộ mua hàng ở những siêu thị của VN. Thứ hai, các DN phải liên kết để có tiếng nói chung chứ không nên “mạnh ai nấy làm”, cùng xây dựng chiến lược chung về kế hoạch bán hàng. Phải có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững mới có thể đương đầu với các đối thủ nước ngoài.
HẢI HÀ (ghi)