Không giống như những năm trước, hiện nay thị trường điện máy trong nước vẫn đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, doanh số liên tục sụt giảm. Tuy nhiên, có một thực tế là, dù rất khó, hàng tồn kho nhiều, nhưng thời gian gần đây, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư, mở thêm nhiều địa chỉ kinh doanh mới. Ngoài ra, đã có một số thương hiệu điện máy trong nước chấp nhận sang nhượng một phần cổ phần cho các đối tác nước ngoài. Phải chăng những động thái trên sẽ là “cú hích” mới cho nhà đầu tư trong nước nhằm vực dậy thị trường trong thời gian tới.
Mở rộng, khai trương... để “chờ cơ hội”!
Đánh giá về nhu cầu thị trường bán lẻ, nhiều ý kiến chuyên gia vẫn khẳng định rằng, Việt Nam là một trong những thị trường còn rất nhiều tiềm năng trong khu vực. Chính với lý do này mà trong thời gian gần đây, cả nước nói chung và khu vực TPHCM nói riêng, đã có hàng loạt nhà kinh doanh tiếp tục đầu tư vào phân khúc siêu thị nội thất, điện máy với quy mô lớn. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là, chính vì nhìn thấy thị trường “còn nhiều tiềm năng” nên dù thực tế đang còn rất nhiều khó khăn, doanh số kinh doanh điện máy liên tục sụt giảm, nhiều doanh nghiệp gần như đang “mắc cạn” với chính mình, nhưng họ vẫn cố mở rộng địa bàn kinh doanh, thêm điểm khai trương mới. Điển hình cho thực tế này có thể thấy, ngay từ đầu năm 2013, Pico đã mở cửa trung tâm kinh doanh phức hợp tại TP.HCM có tổng diện tích 55.000m2 tại đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Và theo một nguồn tin chưa chính thức, sau nhiều tháng đi vào hoạt động và gặp nhiều khó khăn, Công ty TNHH MTV Pico Sài Gòn - pháp nhân của Pico tại TPHCM, đã không còn… Hay trong giai đoạn gần đầu tháng 2-1013, Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim cũng đã đồng loạt khai trương 6 trung tâm mới tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Cà Mau, nâng tổng số hệ thống lên 21 trung tâm. Không kém cạnh các đơn vị trên, gần đây nhất trong tháng 6-2013, Công ty Thiên Nam Hòa (chủ đầu tư hệ thống Trung tâm điện máy Thiên Hòa) đã mở cửa trung tâm mua sắm thứ 6 tại 659 Âu Cơ, quận Tân Phú, TPHCM, với mức đầu tư trên 40 tỷ đồng với tổng diện tích kinh doanh trên 5.000m2, hay như Tập đoàn Hà Nam Group đã không ngần ngại mở rộng thêm nhiều siêu thị điện máy lớn ở các quận Bình Thạnh, Q7, Q.12, Bình Dương… Lý giải việc này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, họ vẫn tiếp tục mở rộng địa bàn kinh doanh, thêm điểm khai trương mới là… để “chờ cơ hội”, vì thực tế thị trường điện máy trong nước còn rất tiềm năng.
Sang nhượng cổ phần “cú hích” có khả thi?
Mặt bằng, điểm kinh doanh mở ra nhiều, nhưng sức mua ngày một èo uột. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2013, thị trường điện máy tiếp tục đi xuống với doanh số ước tính giảm khoảng 40% so với cùng kỳ 2012. Nếu như những năm trước, thường vào các tháng mùa hè, doanh số bán hàng sẽ tăng ít nhất 30%, thế nhưng gặp phải thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu, nên doanh số bán của phần lớn các siêu thị điện máy đến thời điểm này vẫn không có gì khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh điện máy ngày một lỗ nặng, phải cầm cự bằng những khoảng chi khác, hoặc lấy lợi nhuận của trung tâm khai trương trước để nuôi điểm kinh doanh sau. Hiện có nhiều doanh nghiệp chấp nhận sang nhượng một phần cổ phần cho các đối tác nước ngoài để tăng vốn đầu tư nhằm tạo “cú hích” thị trường. Có thể thấy gần đây nhất là việc Công ty CDH Electric Bee Limited đã mua lại 19,88% cổ phần của Công ty Thế giới Di động từ Mekong Capital và các cổ đông sáng lập… Lý giải việc mua cổ phần ngành điện máy, các nhà đầu tư ngoại cho rằng, đây là đầu tư vào tương lai chứ không tính đến hiện tại. Bởi, khó khăn trước mắt chỉ là ngắn hạn trong vài năm. Trong khi đó, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp (DN) trong nước có nguồn tiền dồi dào đưa vào kinh doanh. Trong lần trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thế giới Di động (công ty mẹ của Dienmay.com) vẫn nhìn thị trường với rất nhiều cơ hội. Ông Tài cho biết, trong năm nay, Thế giới Di động sẽ tối ưu vận hành 12 siêu thị Dienmay.com. Và đến năm 2014, Dienmay.com sẽ tăng tốc, mở rộng. “Có thể, trong năm này, Dienmay.com sẽ ồ ạt ra đời như Thegioididong.com thời gian qua”…
Rất cần bản lĩnh doanh nghiệp Việt
| |
Có thể nói, làn sóng đầu tư ngoại vào lĩnh vực điện máy mới chỉ bắt đầu nhưng trong thời gian tới sẽ có sự bùng nổ. Nếu những cuộc đàm phán này có kết quả thì ngành điện máy dự báo sẽ có sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư ngoại, và như vậy cuộc chiến giành thị phần sẽ còn nhiều khốc liệt. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu sự chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại có là “cú hích” hiệu quả cho nhà đầu tư trong nước hay đó là sự “thôn tính” có chiến lược rất khôn ngoan của nhà đầu tư ngoại với thị trường bán lẻ Việt Nam? Một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc sang nhượng cổ phần để cùng “mượn lực” làm mạnh khối doanh nghiệp trong nước là cần thiết. Tuy nhiên, lúc này đây các nhà đầu tư ngành hàng điện máy trong nước rất cần thể hiện bản lĩnh của doanh nghiệp Việt. Trao đổi vấn đề trên, ông Trần Tuấn Hùng-Tổng Giám đốc thương hiệu Nội thất-Điện máy Hà Nam, cho rằng, hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước đồng ý sang nhượng cổ phần cho các công ty nước ngoài, nếu nhìn trên bình diện tổng thể để cùng nhau phát triển, tạo thêm nhiều quyền lợi, giá trị cộng thêm cho người tiêu dùng trong nước là tốt. Tuy nhiên, cái cần quan tâm nhất là khi đã “hợp nhất” với họ rồi thì phải xem “vị trí” và “tiếng nói” của doanh nghiệp Việt đứng ở đâu, có còn thể hiện được cái quyền và “bản lĩnh thị trường” của mình hay không. Đây thật sự mới là điều quan trọng nhất. Khi được hỏi Hà Nam có dự tính sang nhượng cổ phần cho đối tác ngoại hay không. Ông Trần Tuấn Hùng cho rằng: “Thương hiệu Nội thất-Điện máy Hà Nam chưa bao giờ có dự tính trên. Tuy thị trường có khó khăn chung nhưng Hà Nam luôn xác định mình là thương hiệu Việt, do người Việt tạo dựng, nên phải tạo một hướng đi riêng, cung cách phục vụ những sản phẩm nội thất - điện máy riêng theo đúng văn hóa và nhu cầu của người Việt Nam”.
| |
QUỲNH ANH