(SGGP).- Phát biểu tại Hội nghị Công nghệ sinh học (CNSH) các tỉnh phía Nam lần thứ 4 với chủ đề ứng dụng CNSH vào thực tiễn, kết hợp với Hội nghị thường niên lần thứ 19 Hiệp hội Sinh học phân tử châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra tại TPHCM ngày 31-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, TPHCM xác định vị trí quan trọng của CNSH nên đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, đặc biệt là xây dựng Trung tâm CNSH TP; nhiều đề tài, dự án CNSH phục vụ nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, dược phẩm, thực phẩm, môi trường... đã thu được những kết quả nhất định, bước đầu tạo ra một số sản phẩm CNSH có hàm lượng công nghệ khá cao, như các kit chẩn đoán bệnh người và vật nuôi, vaccine cho cá tra, các giống lan mới, phân bón vi sinh, kháng thể đơn dòng và protein tái tổ hợp ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Việc kết hợp tổ chức Hội nghị CNSH với Hội nghị thường niên lần thứ 19 Hiệp hội Sinh học phân tử châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội tốt để các nhà khoa học trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi học thuật và hợp tác, góp phần phát triển CNSH trong nước.
Theo TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM, hoạt động nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có tính đột phá trên nhiều lĩnh vực như cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, chip và điện tử, CNSH, vật liệu mới - công nghệ nano, năng lượng, môi trường, y tế, quản lý đô thị, nông nghiệp công nghệ cao… Tỷ lệ ứng dụng trực tiếp các công trình nghiên cứu khoa học sau nghiệm thu vào thực tiễn giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 35,5%, nhưng đầu tư cho KHCN còn thấp, chưa hợp lý, dàn trải nên hiệu quả nghiên cứu còn hạn chế. Vì vậy, dù thị trường KHCN đã hình thành nhưng còn chậm phát triển, chưa tạo được nhiều sản phẩm chủ lực mang thương hiệu TPHCM. Nhiều mô hình ứng dụng mới dừng lại ở mức thử nghiệm, chậm nhân ra diện rộng. Số lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm CNSH còn hạn chế và thiếu sự liên kết với các tổ chức nghiên cứu.
CÔNG PHIÊN