Mặc dù lao động sau tết không biến động nhiều như những năm trước - như nhận định của Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza), thế nhưng nguy cơ khan hiếm lao động lại diễn ra gay gắt. Nghịch lý này do doanh nghiệp không tuyển được lao động, còn lao động thì chịu thất nghiệp. Đâu là lời giải?
- Ổn định nhờ chính sách “giữ chân”
Đến nay hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã khởi động trở lại sau thời gian nghỉ tết khá dài. Qua khảo sát tại 50 DN ở các KCX Linh Trung 1, 2, KCX Tân Thuận và các KCN Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Tân Bình, hầu hết lao động trở lại làm việc đông đủ, số DN có lao động vào làm trễ chiếm khoảng 15% - ít hơn so với năm trước. Công nhân vào làm trễ là do về quê ăn tết chưa mua được vé tàu.
“Nguyên nhân giữ được lao động ổn định sau tết là do nhiều DN có cơ chế thu hút lao động. Ngoài việc chăm lo lương, thưởng cho công nhân, nhiều DN thực hiện cơ chế thưởng cho người lao động của công ty giới thiệu người khác vào làm việc. Có nơi thưởng đến 300.000 đồng cho một lần giới thiệu người mới vào làm việc, và sau khi công nhân mới làm việc ổn định được một năm thì người giới thiệu lao động đó được thưởng tiếp một lần nữa. Cách làm này đã giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài, tránh tình trạng xáo trộn lao động do công nhân nhảy việc” - ông Hồ Xuân Lâm, Phó phòng Quản lý lao động Hepza, cho biết.
Mặc dù có nhiều chính sách thu hút giúp số công nhân trở lại làm việc khá cao, nhưng đầu năm vẫn dấy lên tình hình khan hiếm lao động. Kinh tế phục hồi, DN phục hồi sản xuất có nhiều đơn hàng mới, do vậy, nhu cầu lao động mới tăng cao. Số liệu lao động mà các DN ở Hepza có nhu cầu tuyển dụng trong những ngày đầu năm mới lên đến 10.000 người. Điển hình như Công ty Freetrend cần tuyển thêm 6.000 lao động, Công ty Nissei Electric cần tuyển thêm 2.000 lao động...
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM, nhu cầu nguồn nhân lực sau tết theo cơ cấu trình độ như sau: 40% lao động chuyên môn cao, 20% lao động có trình độ, tay nghề và 40% lao động sơ cấp, phổ thông. Theo nhận định chung, nhu cầu lao động trên địa bàn TP trong năm mới lên đến 50.000 người.
- Để cung - cầu gặp nhau
Nhu cầu lao động ở các DN thì cao, nhưng hàng năm có hơn 25.000 lao động đã qua đào tạo từ các trường, trung tâm đào tạo nghề phần lớn lại... thất nghiệp. “Bởi các DN chỉ muốn tuyển lao động phổ thông với mức lương khoảng 1,5 – 1,7 triệu đồng/tháng chứ không muốn tuyển lao động có tay nghề, vì lao động có tay nghề mức lương trung bình lên đến 2,5 triệu đồng/tháng”- ông Hồ Xuân Lâm nói.
DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động chủ yếu tập trung vào các ngành thâm dụng lao động như may mặc, giày da... nên những “ông chủ” này chỉ muốn tuyển lao động phổ thông cho rẻ tiền. Đây là điều nghịch lý, bởi lẽ trình độ lao động ngày càng được nâng lên, ngay cả lao động phổ thông đang làm việc cũng tranh thủ tự nâng cao trình độ để kiếm mức lương cao hơn. Do vậy, lao động có tay nghề bị “chê”, còn lao động phổ thông lại bắt đầu khan hiếm là việc cần phải xem xét.
Giải pháp quan trọng nhất là các DN phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Bởi sở dĩ DN cứ tìm lao động phổ thông là vì họ không ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Trong khi cái mà chúng ta cần trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là các DN phải đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến, giảm chi phí sản xuất, ít tốn nhân công. Đã đến lúc cần cái nhìn mới trong quá trình “tiếp thị” thu hút đầu tư là không nên giới thiệu chúng ta có lao động “rẻ” mà hãy giới thiệu chúng ta có đội ngũ lao động “có tay nghề”. Có như thế mới buộc DN ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng dây chuyền sản xuất hiện đại để số lao động đã qua đào tạo có việc làm với mức lương cao. Nếu không, cái vòng luẩn quẩn khi DN không ứng dụng khoa học, chỉ sử dụng lao động không có tay nghề làm suốt một công đoạn (như đơm khuy áo, may ve áo chứ không thể biết hết các công đoạn để hoàn thiện chiếc áo), rồi khi rời xưởng, người lao động tay trắng vẫn hoàn trắng tay vì không có được cái nghề
HÀN NI – THI HỒNG