Thị trường lao động TPHCM từ đầu năm đến nay nổi lên vấn đề nhu cầu tuyển dụng lao động giảm, số người thất nghiệp tăng cùng với nhiều bất cập. Với hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của TP, liệu có vực dậy được thị trường lao động trong thời gian tới?
Nhu cầu lao động giảm
Khảo sát cung - cầu lao động 6 tháng đầu năm 2012 tại gần 13.000 doanh nghiệp với gần 150.000 đầu việc cho thấy, chỉ số nhu cầu tuyển dụng lao động trên tại TPHCM giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2011. Giảm nhiều nhất là lao động phổ thông ngành nghề dệt may – da giày luyện kim, hóa – thực phẩm, điện tử...
Khác những năm trước, các doanh nghiệp tuyển dụng ồ ạt lao động phổ thông trong các ngành thâm dụng lao động, năm nay lượng tuyển dụng việc làm trong các ngành thâm dụng lao động trong quý 1-2012 ở mức khoảng 25%, đến quý 2-2012 giảm còn khoảng 15% tổng số nhân lực đang làm việc.
Nghịch lý là tuy giảm về nhu cầu tuyển dụng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng đủ lao động. Trong khi đó, một số ngành nghề có xu hướng tuyển nhiều lao động như marketing - nhân viên kinh doanh (16,97%); dịch vụ và phục vụ (16,16%), quản lý nhân sự - hành chính văn phòng (11,53%)… Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật được các doanh nghiệp chú trọng.
Cụ thể, trên đại học – đại học (12,78%), cao đẳng (10,03%), trung cấp (21,41%), công nhân kỹ thuật – sơ cấp nghề (12,61%), số còn lại là lao động phổ thông… Theo phân tích của nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam VietnamWorks, với mức độ sụt giảm nhu cầu nhân lực, chỉ bằng khoảng 50% năm ngoái, ngành xây dựng và bất động sản chưa thể phục hồi kéo theo sự đi xuống của ngành kiến trúc - thiết kế.
Tồn tại nhiều nghịch lý
TPHCM có gần 100.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, có tháng số người đăng ký thất nghiệp trên 17.000 người. Thế nhưng, trong số đó rất ít người được giới thiệu việc làm mới hay chính sách học nghề miễn phí. Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM đã tổ chức 9 sàn giao dịch việc làm với nhu cầu tuyển dụng gần 30.000 lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng chỉ tuyển dụng được gần 6.000 lao động (khoảng 20% nhu cầu tuyển dụng) và con số này chỉ bằng 6% so với số lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Về tổng quan thị trường lao động TPHCM, giảm có thể lý giải là do doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoạt động, tuy thế nhiều doanh nghiệp không tuyển đủ lao động đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Điều đó có thể cho thấy thị trường lao động TPHCM đang có sự bất cập giữa chất và lượng và cũng nghịch lý về cung và cầu.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu và thông tin thị trường lao động TPHCM, thị trường lao động TPHCM thời gian qua có sự chênh lệch giữa trình độ nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu việc làm. Đáng chú ý một số nhóm ngành nghề như: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, marketing, điện, cơ khí, công nghệ thông tin… sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có nhu cầu việc làm khá nhiều, nhưng nhiều sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đối với các nhóm ngành khoa học – xã hội còn nhiều sinh viên vẫn khó tìm việc làm hoặc làm trái ngành.
Dự báo tỷ lệ lao động mất việc làm có thể sẽ tăng so với 6 tháng đầu năm do quá trình doanh nghiệp sắp xếp lại lao động hoặc một số phải giải thể do không vượt qua được khó khăn.
Để vực lại thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn đưa một số giải pháp như: Đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động; thông tin kịp thời thị trường lao động, cung ứng lao động, giới thiệu việc làm và tái đào tạo theo nhu cầu xã hội; quản lý nguồn lao động, xây dựng hệ thống theo dõi, cập nhật tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc tại các doanh nghiệp…
Đồng thời, mở rộng các đối tượng cho vay các nguồn quỹ tín dụng việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề… để hỗ trợ người lao động mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn có khả năng tự tạo việc làm.
Từ nay đến cuối năm 2012, TPHCM cần 135.000 chỗ làm việc, bao gồm nhu cầu lao động thay thế và tuyển mới, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động trong các khu chế xuất - công nghiệp khoảng 30.000 lao động. Về cơ cấu nguồn nhân lực, lao động phổ thông chiếm khoảng 40%, trình độ đại học, cao đẳng chiếm 25%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp 35%. Riêng quý 3-2012, TPHCM cần 65.000 chỗ làm việc, cụ thể, tháng 7 (20.000), tháng 8 (20.000), tháng 9 (25.000). Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển nhiều nhân lực như kế toán, hành chính văn phòng, tin học, quản trị kinh doanh. Xu hướng tuyển dụng lao động thời vụ, bán thời gian vẫn giữ mức bằng năm ngoái với khoảng 30.000 - 35.000 chỗ làm việc. |
HỒ THU