Thị trường nội địa trước sức ép hội nhập

Ma trận hàng lậu và bãi bỏ thuế quan
Thị trường nội địa trước sức ép hội nhập

Từ nhiều năm nay, thị trường Việt Nam đã tràn ngập các loại hàng ngoại. Ngay cả những mặt hàng như thịt gia cầm, nội tạng động vật và các mặt hàng gia dụng, điện tử, công nghiệp, may mặc… được đánh thuế cao cũng vẫn tìm mọi thủ đoạn tuồn vào thị trường nội địa qua buôn lậu. Tuy nhiên, sắp tới sẽ có hàng loạt mặt hàng sẽ bãi bỏ thuế quan theo Hiệp định ACFTA, hàng ngoại, trong đó có hàng Trung Quốc, sẽ thoải mái tràn vào Việt Nam.

Xe container chở hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn

Ma trận hàng lậu và bãi bỏ thuế quan

Từ rất lâu, trên thị trường nước ta đã tràn ngập các loại hàng hóa giá rẻ được doanh nghiệp nhập khẩu về từ Trung Quốc. Không chỉ có trái cây, rau củ nhập từ Trung Quốc làm người tiêu dùng lo ngại mà còn hàng trăm mặt hàng, sản phẩm khác như thực phẩm khô, đồ gia dụng, giày dép, các loại vải vóc, gạch men, đồ điện tử đến dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em…  Gần đây, ngay cả các sản phẩm công nghiệp, như sắt thép Trung Quốc giá rẻ, cũng đang tìm mọi cơ hội tuồn vào Việt Nam, khiến các doanh nghiệp trong nước chao đảo, lép vế.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tính trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (gồm thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và thuốc điều hòa sinh trưởng); trong đó, 50% được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài luồng hàng hóa nhập khẩu chính ngạch hoặc thông qua các cửa khẩu tiểu ngạch ở dọc biên giới phía Bắc, nhiều năm qua, chúng ta còn lo ứng phó với tình trạng đủ loại hàng hóa nhập lậu. Ngoài các mặt hàng bị hạn chế là thịt gia cầm, nội tạng động vật, hàng thủy sản đông lạnh…, hiện nay còn hàng trăm sản phẩm khác như bia rượu, thuốc lá, nước giải khát, mỹ phẩm… cũng tuồn vào. Hàng hóa nhập lậu không chỉ trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn kém chất lượng, cố tình làm giả làm nhái, bán giá rẻ, phá giá… gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng, làm thiệt hại cho các doanh nghiệp chân chính trong nước.

Thông tin từ Bộ Công thương mới đây cho biết, Chính phủ vừa ra Nghị định 128/2016/NĐ-CP về việc ban hành biểu thuế nhập khẩu hàng hóa nhằm thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018. Theo đó, sắp tới sẽ có hàng ngàn mặt hàng như rau củ quả, thủy sản, hàng đông lạnh, các loại thịt… có xuất xứ từ các nước trong khu vực ACFTA sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu vào Việt Nam, trong đó bao gồm hàng ngàn sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc. Đây là chính sách bắt buộc theo cam kết khi tham gia ACFTA, gồm Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore, Myanmar, Malaysia, Lào, Indonesia, Campuchia, Brunei và Việt Nam. Đổi lại, hàng hóa của Việt Nam, trong đó có một số sản phẩm nông nghiệp khác mà Việt Nam có thế mạnh như cà phê, chè, thủy sản... cũng sẽ được miễn thuế khi xuất khẩu vào các thị trường này. Bộ Công thương cho biết, theo lộ trình, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong vòng 10 năm, linh hoạt đến lộ trình cuối cùng vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại sẽ cắt giảm về từ 5% - 50% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt, hàng hóa của các nước sẽ phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được Bộ Công thương quy định.

Lực lượng liên ngành tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe chở hàng Trung Quốc về Hà Nội

Cú sốc cho hàng Việt

Theo nhiều chuyên gia, khi cam kết ACFTA chính thức hiệu lực, sẽ có một lượng hàng lớn đổ vào Việt Nam, gây sức ép cho sản xuất trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông sản. Các loại trái cây, rau củ cùng loại của Việt Nam mà Trung Quốc có như khoai tây, hành tây, súp lơ, cam, quýt, nho… sẽ bị cạnh tranh gay gắt; chưa kể hàng chục loại trái cây khác lâu nay vẫn “núp bóng” trái cây Việt sẽ có cơ hội làm mưa làm gió trên thị trường nội địa.

Ông Hoàng Khánh Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ nhiều năm nay, các loại trái cây, rau củ từ Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam song vẫn chủ yếu thông qua hình thức nhập khẩu tiểu ngạch. Nếu thực hiện theo lộ trình của ACFTA, bắt đầu từ năm 2018, sẽ có hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam hiện đang áp dụng thuế suất 15% sẽ giảm còn 0% là rau, củ, quả; các loại thủy sản (cá, tôm, mực); ca cao, bột; thịt và phụ phẩm của thịt sau giết mổ như thịt trâu, bò và gia cầm sống… nếu có chứng nhận xuất xứ của Bộ Công thương và nhập về thông qua chính ngạch. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, xóa bỏ hàng rào thuế quan khi mở cửa thị trường là yêu cầu bắt buộc để hàng hóa Việt Nam ra các nước và đổi lại, hàng hóa các nước sẽ vào Việt Nam. Chúng ta chỉ có giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát là tăng cường hàng rào kỹ thuật, đặt ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng, xem xét có tình trạng bán phá giá… Nếu không đảm bảo yêu cầu Việt Nam đặt ra thì ta không cho phép nhập khẩu.

Việt Nam nhập siêu 21,3 tỷ USD từ Trung Quốc

Theo thông tin của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 36 tỷ USD và nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 21,3 tỷ USD. Các mặt hàng mà Việt Nam đang tốn cả tỷ USD để nhập khẩu từ thị trường này, gồm vải các loại 3,93 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 1,38 tỷ USD; máy vi tính và sản phẩm điện tử linh kiện 4,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 6,5 tỷ USD; sắt thép các loại 3,2 tỷ USD… Riêng về nông sản, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 45,3 triệu USD thủy sản và 146,9 triệu USD rau quả.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục