Thị trường ôtô châu Âu: Bóng đen khủng hoảng bao trùm

Đóng cửa, giảm giá để cạnh tranh
Thị trường ôtô châu Âu: Bóng đen khủng hoảng bao trùm

Nếu nói điều cấp thiết nhất của thị trường ôtô châu Âu trong lúc này là gì, 80% các nhà điều hành của các tập đoàn ôtô lớn ở châu lục này sẽ khẳng định về việc cắt giảm ngân sách cũng như đóng cửa nhà máy để tồn tại qua năm nay. Thị trường ôtô châu Âu đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có thể dẫn đến những hệ quả xấu về an sinh xã hội.

Một trong những dòng xe của PSA – hãng đang rơi vào bế tắc khi các sản phẩm không được tiêu thụ tốt tại Châu Âu

Một trong những dòng xe của PSA – hãng đang rơi vào bế tắc khi các sản phẩm không được tiêu thụ tốt tại Châu Âu

Đóng cửa, giảm giá để cạnh tranh

Vào tháng 3 vừa qua, các nhà lãnh đạo của ACEA (Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô châu Âu) bao gồm Volkswagen (VW), Daimler, BMW, PSA/Peugeot-Citroen, Renault, Fiat và Opel đã có một cuộc họp mặt để bàn về những vấn đề cấp thiết hiện tại, trong đó vấn đề quan trọng nhất chính là việc đóng cửa các nhà máy để đảm bảo việc kinh doanh hiệu quả. Hầu hết các “đại gia” ô tô ở châu Âu đều e ngại một “cuộc chiến” về giá sẽ dễ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh. Thực tế thì, trong 4 năm vừa qua, kể từ đợt khủng hoảng 2008 nhu cầu về ôtô ở châu Âu sụt giảm nghiêm trọng và các nhà sản xuất ôtô ở châu lục này vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Rất nhiều nhà máy sản xuất hoạt động cầm chừng và có nhiều phân tích đã dự đoán rằng tổng số lượng các nhà sản xuất ôtô phải cắt giảm sẽ vào khoảng 3 triệu chiếc, khoảng 20% sản lượng của châu Âu.

Năm 2009, phần lớn các “đại gia” ôtô tại châu Âu đã phải nhờ đến sự viện trợ của chính phủ để tồn tại. Đức, Pháp và Anh là 3 quốc gia hỗ trợ nhiều nhất về tài chính cho các tập đoàn nói trên, 30 tỷ Euro đã được chi trong các hoạt động hỗ trợ. Tuy nhiên, chính phủ ở các nước này vẫn chưa có một áp lực cụ thể nào trong việc thúc đẩy tình hình kinh doanh của các nhà sản xuất, đa phần việc hỗ trợ chỉ là để các nhà sản xuất này không đóng cửa công ty và sa thải nhân công. Điều này trái ngược lại ở thị trường Mỹ khi các nhà sản xuất ôtô buộc phải tái cấu trúc công ty để tạo ra lợi nhuận và trả số nợ 81 tỷ USD mà chính phủ đã hỗ trợ. Một thực tế cho thấy các đa phần các nhà sản xuất ôtô ở châu Âu vẫn chưa thật sự có những chiến lược hợp lý về thị trường cũng như sản phẩm. Nhóm 3 tập đoàn VW – BMW – Daimler, 3 tập đoàn đang hoạt động mạnh trên toàn cầu cho rằng các nhà sản xuất còn lại nên mở rộng thị trường ở bên ngoài châu Âu và đầu tư hơn nữa cho các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu. Vì nếu khi các nhà sản xuất đồng loạt giảm giá để tăng sản lượng thì nhóm này sẽ chịu nhiều tổn thất.

Vào đầu tháng 5 năm nay, trong một báo cáo mang tên “Liệu EU có bỏ qua những kêu gọi hỗ trợ từ doanh nghiệp?” đã chỉ ra rằng, chỉ có BMW và VW là hoạt động trên 90% công suất nhà máy, còn các công ty khác vào khoảng dưới 75%. Ví dụ như Renault khoảng 76%, GM và PSA khoảng 70%, Ford 70% và FIAT 65%. Những tỉ lệ này chỉ ra rằng các nhà sản xuất đang ở mức “gần như hòa vốn và rất dễ chịu thiệt hại”.

Hỗ trợ từ EU

Một nhóm chính sách mới mang tên CARS 21 bao gồm các bộ trưởng trong khối EU, lãnh đạo các tập đoàn ôtô, các tham tán thương mại và đại diện các hiệp hội thương mại, đang yêu cầu sự hỗ trợ từ liên minh châu Âu – EU. Đức, Pháp, Ý, Anh và Tây Ban Nha là các quốc gia đang tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều nhất và yêu cầu có những bảo đảm về mặt chính trị một khi tình trạng thất nghiệp diễn ra do việc đóng cửa các nhà máy.

Theo ông Antonio Tajani, tham tán thương mại EU và cũng là phát ngôn của CARS 21 thì có 3 việc EU cần làm hiện nay. Điều đầu tiên là tăng các quỹ hỗ trợ cho việc nghiên cứu và phát triển đồng thời điều phối các nguồn quỹ này. Điều thứ hai chính là việc loại bỏ một số điều luật về an toàn và môi trường của châu Âu vốn được cho là một mê cung khiến cho chi phí của sản phẩm tăng vọt cho bất kỳ một nhà sản xuất nào tại châu lục này.

Đây cũng là căn nguyên của việc lạm phát giá tại đây. Điều thứ ba chính là các chính sách về các khu vực thương mại tự do. Ví dụ như EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc có hiệu lực từ tháng 7- 2011 và từ đó đến nay, hơn 150.000 chiếc xe của Hàn Quốc đã liên tục xuất hiện trên đường phố châu Âu. Đây cũng là một chủ đề nóng cho các ngành sản xuất khác.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan ngại rằng, trong trường hợp EU có khả năng hỗ trợ thì một số các nhà sản xuất ôtô vẫn phải chịu nhiều chi phí và khả năng đóng cửa nhà máy là vẫn còn. Đây là do năng lực nội tại từ các nhà sản xuất. Điển hình như liên minh GM và PSA (Peugeot-Citroen). GM năm ngoái lỗ tại thị trường châu Âu là 747 triệu USD và đây là chu kỳ lỗ trong 12 năm liên tục. Nhà máy Vauxhall của tập đoàn này ở Ellesmere Port phía tây bắc nước Anh lúc nào cũng trong tình trạng chực chờ đóng cửa.

Nguyên nhân chính vẫn là liên minh này chưa đưa ra được những sản phẩm được người tiêu dùng tại thị trường châu Âu chấp nhận và tạm thời cả hai vẫn chưa có những động thái tích cực gì để đưa ra giải pháp cứu lấy mình. Trước khi có được sự hỗ trợ từ EU thì các hãng sản xuất ôtô tại châu lục này phải có những bước đi đúng đắn, nếu không có động thái nào thì đồng nghĩa với việc thất bại, như phát biểu của Carlos Ghosn, CEO của Nissan – Renault “các nhà sản xuất tại châu Âu ngày một yếu thế”.

Nhật Tân

Tin cùng chuyên mục