
Các chuyên gia dự báo, trong năm 2006 này, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bước vào thị trường viễn thông với những công nghệ mới cũng như chất lượng dịch vụ được cải thiện nhiều hơn. Sự khởi động của EVN Telecom, HaNoi Telecom, S-Fone… cho thị trường băng rộng dự báo sẽ tạo ra sự sôi động của thị trường viễn thông trong năm nay.

Thử sản phẩm mới tại một cuộc triển lãm điện thoại di động.
S-Fone dự kiến tính cước block 1 giây ngay từ giây đầu tiên, đồng thời tăng vùng phủ sóng và dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp, kế hoạch đến quý 2 năm 2006, S-Fone sẽ hoàn tất việc triển khai phủ sóng toàn quốc trên 1.800 trạm phát sóng CDMA.
Trong khi đó, Viettel đã tạo ra cuộc chạy đua dành thị phần bằng các hình thức như: khuyến mãi giảm cước liên tục, miễn phí cuộc gọi nội mạng đầu tiên, gọi nội mạng miễn phí 24 giờ, hạ giá sim mức thấp nhất… điều này đã khiến hai “đại gia” MobiFone và Vinaphone buộc phải thay đổi cách tính cước theo block 6 giây (MobiFone giảm trên 90% cước gọi vào giờ thấp điểm, Vinaphone miễn phí gần 500 block 6 giây cho khách hàng hòa mạng mới.
Hiện tại, thị trường Việt Nam có 3 nhà cung cấp, sử dụng công nghệ CDMA và trong giai đoạn tới, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ hướng tới công nghệ 3G. Công nghệ này cho phép khách hàng có thể sử dụng nhiều tiện ích cũng như các dịch vụ qua điện thoại như: truy cập Internet bằng điện thoại, tham gia thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ như điện, nước, điện thoại, truyền hình Mobile…
Tại hội nghị triển khai công tác 2006 của Sở Bưu chính - Viễn thông TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng: Một khi chúng ta hội nhập, điều đó cũng có nghĩa là thị trường viễn thông mở cửa và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu sức ép cạnh tranh lớn, nhất là các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải có những chính sách quản lý và phát triển phù hợp để đáp ứng các nhu cầu của hội nhập.
H. NGUYÊN-TH. TIÊN