Thiên chức của thầy thuốc

Ông bác tôi đi khám bệnh về mà không vui. Ở bệnh viện huyện, ông được một bác sĩ khám, hỏi han khá nhiều nhưng rốt cuộc ghi lời đoán bệnh theo đúng sự tự chẩn đoán của bác tôi. Thấy không yên tâm, bác tôi lặn lội từ Bến Tre lên TPHCM để khám lại. Sau khi vượt qua số người đợi khám dài dằng dặc, bác được vào gặp bác sĩ, vị này không hỏi gì cả, chỉ khám và dùng các thiết bị kiểm tra, rồi mới cho phiếu đi xét nghiệm…

Về nhà, ông kể, hai ông bác sĩ đều khó tạo được niềm tin, một ông thì có thời gian nên hỏi nhiều điều, nhưng kết quả là sự chẩn đoán có vẻ thiếu thuyết phục; còn ông kia thì vì có ít thời gian nên không hỏi gì, chỉ dùng máy móc để đoán bệnh, có vẻ đáng tin cậy hơn nhưng cũng khó làm người bệnh cảm thấy an lòng…

Biểu hiện đó có vẻ cũng là biểu hiện của không ít bác sĩ, cán bộ y tế hiện nay. Vẻ mặt “lạnh như tiền”, ít nói hoặc trả lời cộc lốc dường như là một “căn bệnh” của không ít người làm việc trong ngành y tế. Còn các biểu hiện khác như “gợi ý bồi dưỡng”, “mời” về phòng khám tư, “kê toa” đến quầy thuốc có “liên kết”, “nuôi bệnh”, hoạnh họe, nạt nộ bệnh nhân, thậm chí có hành vi quấy rối… cũng đã xảy ra không ít.

Lẽ ra, bên cạnh những lời hỏi han về phục vụ việc thăm khám, các bác sĩ nên động viên, tư vấn, dặn dò người bệnh trong việc chữa bệnh, phòng bệnh và góp phần phòng tránh bệnh cho người khác hay hạn chế lây lan trong cộng đồng. Và, cũng lẽ ra, bên cạnh chữa bệnh về mặt thể chất, các bác sĩ cũng nên “chữa bệnh” về mặt tinh thần hay “tăng sức đề kháng” để họ có thể sống vui hơn, khỏe mạnh hơn, góp phần chiến thắng bệnh tật.

Dù không hoạt động trong ngành y nhưng tôi cũng rất đau lòng khi có nhiều nhận xét không hay về đội ngũ y bác sĩ, như “người thầy thuốc càng đáng lên án”, “y đức đã chạm đáy”… Bởi bên cạnh hiện tượng chưa lành mạnh của ngành y cùng một số sai phạm của một bộ phận y bác sĩ, cán bộ y tế thì vẫn còn rất nhiều người khác vẫn ngày đêm tận tình cứu chữa, giúp đỡ bệnh nhân mà không chút đòi hỏi, nề hà hay e ngại. Dù các hiện tượng tiêu cực không phải là số đông, cũng không phải quá phổ biến nhưng đang dần làm giảm lòng tin của người dân. Nên các hiện tượng tấn công bác sĩ, đập phá bệnh viện… dù rất đáng chê trách nhưng không phải là không có nguyên nhân và hoàn toàn có thể hiểu được, nhất là sự bức xúc của người dân ít nhiều có sự “cộng hưởng” từ những hiện tượng tiêu cực khác trong xã hội.

Trong điều kiện như vậy, ngành y tế phải mạnh dạn và quyết liệt chấn chỉnh trong ngành mình đồng thời cả mặt chuyên môn lẫn đạo đức. Trong đó, cần chú trọng đúng mức cả trong đào tạo và trong việc giám sát sự phấn đấu, rèn luyện của các y bác sĩ trong hoạt động thực tiễn. Trong đào tạo, đã thực hiện việc tuyển chọn gắt gao từ đầu vào thì phải tiếp tục nâng chất việc dạy chuyên môn lẫn y đức và siết chặt đầu ra. Cần đổi mới việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá đối với các môn liên quan đến y đức để việc học phải thực chất, có tác dụng nâng cao nhận thức và hành động một cách thực tế đối với người học chứ không phải qua các kỳ thi… Trong việc giám sát, kiểm tra sự phấn đấu, các cơ quan (bệnh viện, phòng khám, trường học…) phải thường xuyên thực hiện việc bồi dưỡng, rèn luyện cả về chuyên môn lẫn tư cách cho đội ngũ y bác sĩ. Các cơ quan phải giám sát chặt chẽ hoạt động chuyên môn, thái độ ứng xử với bệnh nhân, lắng nghe ý kiến đánh giá của bệnh nhân – thân nhân người bệnh và đồng nghiệp, để kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện lệch lạc, sai phạm. Bên cạnh đó, các hội nghề nghiệp, các đoàn thể phải tăng cường giám sát thành viên, hội viên của mình, đồng thời thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề để củng cố, nâng cao tay nghề lẫn tư cách… Điều đó phải được thực hiện ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn!

Thầy thuốc với thiên chức giúp người, cứu người của mình phải luôn thể hiện đầy đủ tinh thần “như mẹ hiền”, phải luôn quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân một cách đầy đủ và thật lòng.

 
VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục