Hai ngày liên tiếp, người dân đón nhận hai thông tin trái chiều: Lãi suất huy động sẽ giảm 1% (từ 14% giảm còn 13%) và giá xăng tăng từ 19.500 đồng lên 22.900 đồng/lít (Mogas 92) và 23.400 đồng (Mogas 95). Các loại nhiên liệu khác như dầu mazut, diesel, dầu hỏa… đều tăng 1.000 - 2.000 đồng/lít. Như vậy, người kinh doanh, xã hội có cùng mối lo lắng: tiền dư không biết đầu tư ở đâu để sinh lời tốt nhất khi mà lãi suất huy động sẽ giảm trong khi giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng sẽ tăng nhanh khi giá nhiên liệu tăng. Điều mà CPI tháng 3 khó có thể đưa ra dự báo chính xác khi biến động kinh tế, tài chính trái chiều, tác động ngược.
Việc tăng giá dĩ nhiên kéo theo hàng loạt hệ lụy mà nền kinh tế sẽ hứng chịu khi cơn bão về tài chính đang hoành hành. Hàng loạt doanh nghiệp còn đang lo thiếu vốn, chưa thể bung ra làm ăn do lãi suất cao, giờ đây lại lo chi phí đầu vào tăng do giá nhiên liệu tăng.
Cước phí vận tải sẽ tăng trên 13%, chi phí đầu vào cho ngành điện tăng, giá thành sản xuất thép tăng 80.000 đồng/tấn… có thể nói, chưa ai lường hết được hậu quả của việc tăng giá sẽ đến đâu. Điều lo lắng chính là sau việc tăng giá đợt này, không biết nhiên liệu sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng bao nhiêu nữa, nhất là khi chiến tranh ở khu vực Trung Đông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tăng giá xăng dĩ nhiên là ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, đến giá thành và giá bán của rất nhiều loại sản phẩm, nhưng thực tế, chuyện tăng giá xăng lại buộc người ta phải cân nhắc kỹ nhu cầu sử dụng xe để đi lại, để xem xét đầu tư các loại máy móc, phương tiện mới, thay thế máy móc, phương tiện cũ tiêu hao nhiều nhiên liệu. Ở các nước tiên tiến, khi giá xăng dầu tăng, chi phí cuộc sống tăng, người ta bỏ ra hàng chục năm trời, với bao nhiêu tiền, trí tuệ để nghiên cứu, sản xuất ô tô, xe máy chạy điện, nghĩ ra các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời.
Còn ở Việt Nam, cứ vô tư xài các xe máy, thiết bị cũ tiêu hao nhiều nhiên liệu. Và khi tính tới giá thành vận tải, giá như từ TPHCM có tuyến đường sắt đi các tỉnh miền Tây thì giá thành vận tải hàng hóa, hành khách giảm đi bao nhiêu, không cao như hiện nay. Sao ngành GTVT không đầu tư xây dựng tuyến vận tải đường sắt với khối lượng lớn để giảm chi phí giá. Đó cũng là bài toán cần giải cho nền kinh tế ở khu vực phía Nam.
Chuyện giá xăng tăng khiến nhiều người nghĩ đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hàng năm cung cấp cho thị trường 30% nhu cầu nhiên liệu các loại (tương ứng 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm), vậy sao không có sự kiềm chế giá nào từ nguồn xăng dầu này, mà cứ hễ cần tăng giá là doanh nghiệp nhập kinh doanh xăng dầu lại vin vào giá thế giới tăng. Nếu cứ đà này, chỉ khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (có công suất lọc 10 triệu tấn dầu thô) được đưa vào hoạt động từ năm 2014, rồi Nhà máy Long Sơn cũng sẽ khởi công, để đến năm 2020 - 2025 các nhà máy này đi vào hoạt động, sẽ cung cấp, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho xã hội… thì chuyện tăng giá nhiên liệu mới bớt “sốt”.
Cơn sốt tăng giá nhiên liệu chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiên liệu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án về khai thác dầu thô, xây dựng nhà máy lọc dầu. Vì đó là tương lai của nền kinh tế.
Chuyện tăng giá xăng dầu xem ra buộc người tiêu dùng, doanh nghiệp không còn cách nào khác là thắt lưng buộc bụng, giảm nhu cầu sử dụng hay phải tính nước cờ đổi mới thiết bị sử dụng các loại năng lượng khác. Bên cạnh cái khó do nhiên liệu tăng, cũng phải nghĩ chuyện tích cực hơn. Đó là phong trào tiết giảm chi phí sản xuất, giá thành, giá bán các loại sản phẩm sau đợt tăng giá này có lẽ thiết thực hơn, nhất là từ suy nghĩ tới hành động.
THĂNG LONG