Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), thời tiết khô hạn và hàng loạt dự án chậm tiến độ gây nên tình trạng thiếu điện trầm trọng trong năm nay, nhất là vào các tháng cao điểm mùa khô (tháng 5 và 6). Thiếu điện đang xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, một lần nữa đã đặt câu hỏi về vai trò cung ứng dịch vụ của ngành điện.
Thiếu điện do thiếu vốn
Theo tính toán của ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc EVN, chưa năm nào 3 nhà máy thủy điện lớn nhất miền Bắc là Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phải vận hành với sản lượng thấp như hiện nay. Chính vì lượng nước về các hồ thủy điện thấp từ đầu mùa khô tới nay nên EVN đã phải khống chế sản lượng phát điện của 20 nhà máy lớn trong hệ thống (tổng công suất 6.200MW) tối đa không được quá 50 triệu kWh/ngày để cầm cự chờ lũ tiểu mãn.
Lượng nước ít của các hồ thủy điện trong mùa khô và phải xả để chống hạn khiến tổng lượng nước bị mất đi tương đương với lượng điện thiếu hụt lên tới 1 tỷ kWh điện. Theo tính toán, để đảm bảo đủ điện cung cấp cho phát triển kinh tế thì mức đầu tư cho điện trung bình hàng năm chiếm khoảng 10% đầu tư cho nền kinh tế và chiếm 30% vốn đầu tư cho toàn ngành công nghiệp.
Theo quy hoạch phát triển điện từ nay đến năm 2020, lượng công suất tăng thêm khoảng 50.000-60.000 MW. Như vậy tổng vốn đầu tư cho ngành điện từ nay đến năm 2020 khoảng 50 tỷ USD. Đây là con số rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh giá điện ở Việt Nam còn thấp.
Theo PGS.TS Đàm Xuân Hiệp, Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam, vẫn có phương án để chữa căn bệnh thiếu vốn hiện nay của ngành điện. Trong biểu giá điện của các nước, giá bán cho hộ dân dụng bao giờ cũng cao nhất, tiếp đến các ngành dịch vụ và thương mại, sau cùng là giá bán điện cho công nghiệp. Tuy nhiên ở nước ta trình tự ngược lại. Do vậy, các nhà chính sách cần thay đổi cấu trúc biểu giá điện. Thứ hai, tái cấu trúc và cải tổ ngành điện. Với cách làm như hiện nay, tăng giá bao giờ cũng được hiểu là "sự áp đặt" của nhà độc quyền, nó luôn tạo ra những phản ứng tiêu cực từ dư luận. Tình trạng này không phải của riêng nước ta, thực ra nó đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác, lúc chưa thị trường hóa ngành điện. Khi cơ chế độc quyền bị bãi bỏ, tự thị trường sẽ định đoạt giá cả và đó là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư và người tiêu thụ.
Tuy nhiên, chuyện thiếu điện không chỉ nằm ở nguyên nhân giá điện, mà còn xuất phát từ hiệu quả hoạt động đầu tư. Ngay từ đầu năm, EVN cho biết sẽ chi hơn 58.500 tỷ đồng cho các dự án điện trong năm 2010. Số tiền trên sẽ được đầu tư vào các công trình nguồn và lưới điện, tăng 10.800 tỷ đồng so với mức đầu tư năm 2009 và là mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh việc đầu tư lớn các dự án mới, EVN cho biết sẽ đưa vào vận hành 7 dự án nguồn điện: nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng; thủy điện Bản Vẽ, tổ máy đầu tiên của thủy điện Sơn La... với tổng công suất 2.130 MW. Song, đến hết quý I, theo kết quả rà soát từ Cục Điều tiết điện lực, nhiều nhà máy chậm tiến độ so với kế hoạch như: tổ máy số 3 của Thủy điện Sê San 4 (120MW) chậm 2 tháng so với kế hoạch; Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động (220MW), theo dự kiến cả 2 tổ máy đưa vào vận hành trong quý I, nhưng mới chỉ có 1 tổ máy vận hành; Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh I (600MW) phải đến tháng 7 mới vận hành 1 tổ máy… Do vậy, khoảng 450 MW công suất bị chậm tiến độ so với dự kiến, đã gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện mùa khô.
Mất điện do sự cố
Liên quan đến nội dung bài viết: "TPHCM: Khốn khổ vì cúp điện" (đăng Báo SGGP ngày 12-5) phản ánh về tình trạng cúp điện vô tội vạ của EVN HCMC thời gần đây, Quyền Trưởng phòng Quan hệ cộng đồng EVN HCMC Nguyễn Anh Vũ cho biết: Đang đợi các phòng ban chuyên môn của công ty tập hợp, báo cáo sự vụ để sớm có câu trả lời thỏa đáng với bạn đọc báo SGGP.
Giải thích về lý do mất điện liên tục thời gần đây cũng như tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, ông Vũ Thế Cường, Trưởng ban Kỹ thuật EVN HCMC cho biết: Việc xảy ra mất điện trong thời gian qua tại một số khu vực trên địa bàn TPHCM là do các công ty điện lực khu vực thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa và nâng cấp lưới điện. Các công tác này thực hiện định kỳ hàng năm trước mùa mưa nhằm cung cấp điện ổn định, hạn chế tối đa các sự cố xảy ra trên lưới điện trong mùa mưa. Mặt khác, gần đây thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột ngột tại một số khu vực dẫn đến các máy cắt hạ thế (MCCB-bảo vệ MBT hoặc phụ tải) ngắt điện gây mất điện.
Theo ông Vũ Thế Cường, hiện nay với sản lượng phân bổ bình quân ngày của EVN, EVN HCMC chưa áp dụng giải pháp tiết giảm điện do thiếu sản lượng. Đối với tình hình cung cấp điện trong tháng 5-2010, tiếp tục khó khăn do thời tiết nắng nóng trên diện rộng, lưu lượng nước về các hồ thủy điện đều thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm. Đồng thời, các nhà máy nhiệt điện than mới ở miền Bắc vận hành chưa ổn định, các nhà máy nhiệt điện than Quảng Ninh, Hải Phòng, Cẩm Phả hiện đang bị sự cố nên công suất phát bị hạn chế…
Từ đó, theo tính toán của EVN, mức sản lượng khả dụng của hệ thống điện quốc gia trong các tháng 5-2010 lần lượt là 280 và 285 triệu kWh/ngày; tương ứng với sản lượng điện EVN phân bổ cho EVN HCMC lần lượt là 45,43 và 46,5 triệu kWh/ngày. Với sản lượng tiêu thụ bình quân ngày của TPHCM trong tháng 4-2010: 45,5 triệu kWh/ngày sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện trên địa bàn TPHCM nếu sử dụng điện hợp lý. Giải thích này của ngành điện rất khó thông với khách hàng, có vẻ "năm ăn năm thua" trong khi đó việc cúp điện đột xuất vẫn tiếp diễn.
Quang Minh - Lạc Phong