Thiếu đột phá cho ngành du lịch

Ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Du lịch (sửa đổi)
Thiếu đột phá cho ngành du lịch

Ngày 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Du lịch (sửa đổi)

Cần hướng chiến lược

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Đánh giá về ngành du lịch thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, so với tiềm năng thì kết quả đạt được của ngành du lịch còn rất khiêm tốn. Ví dụ như khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam tăng nhanh và đạt được 2 triệu khách nhưng thực tế con số này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan (10 triệu khách). Kể một câu chuyện khác về việc vừa qua tiếp đoàn nghị sĩ của đảng cầm quyền Nhật Bản và có nghị sĩ nói là chưa biết nhiều sản phẩm du lịch, danh lam thắng cảnh Việt Nam, từ đó ông Nguyễn Văn Giàu nhận xét, đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ, vì Nhật Bản là nước có nguồn khách du lịch tương đối đông.

Để phát triển ngành này, ông Giàu đề nghị, dự luật cần bám sát tinh thần đổi mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014 nhằm cải cách triệt để về nội dung, quy trình thủ tục. Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, ngành du lịch phải tiên phong và các quy định nên theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sự phát triển của ngành du lịch không chỉ ngành du lịch làm mà cần phải có sự tham gia của nhiều ngành khi đây là ngành kinh tế tổng hợp, có tính xã hội hóa cao. Vừa qua, dù ngành du lịch đã có cố gắng nhưng sự phối hợp với các ngành khác còn chưa tốt. Ví dụ như trong vấn đề visa, nhiều nước họ như nước ta, dù bàn thảo nhiều nhưng miễn visa chỉ được vài nước và chỉ trong thời gian ngắn.

Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội kể, khi bà đến bãi biển Pattaya của Thái Lan thì thấy khách du lịch hầu hết là người Việt Nam và những người bán hàng ở địa điểm này đều biết tiếng Việt. Nói chuyện với một người bán hàng ở đó họ cho biết đang để dành tiền để đi du lịch Nha Trang của Việt Nam. Từ câu chuyện trên, bà Nguyễn Thúy Anh nhận xét, ở trong nước mà đi du lịch Nha Trang có chi phí cao gấp nhiều lần so với sang Thái Lan. Tại sao như vậy? “Ngành nên định hướng thu hút khách du lịch trong nước hay nước ngoài để từ đó định hướng, xây dựng cơ sở lưu trú phù hợp với từng đối tượng khách”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, dự thảo không thấy rõ định hướng chiến lược phát triển du lịch hướng vào nội địa hay nước ngoài. Ngay cả những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhưng họ cũng có chính sách phát triển du lịch rõ ràng khi đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng cấp cao để thu hút những người nổi tiếng đến.

Còn mang tính hô hào

Theo ông Nguyễn Khắc Định, các quy định tại điều 5 về chính sách phát triển du lịch hầu hết đều mang tính chất hô hào, khẩu hiệu. Trong đó, có nhiều điều khoản lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành trong quy định về đất đai, tín dụng… Những quy định này chung chung, thậm chí có điểm khác với Luật Đầu tư. Ví dụ như Luật Đầu tư quy định ưu đãi đầu tư tại những địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn nhưng dự thảo chỉ áp dụng ưu đãi với địa bàn khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cơ chế chính sách cần quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi cho mục tiêu đề ra, do vậy, chính sách về phát triển du lịch cần được gia cố, bổ sung thêm. Ví dụ như điều 5 về chính sách phát triển du lịch có nêu 8 chính sách các chương sau của dự luật thì chưa rõ ràng. Hay như, dự luật nói khuyến khích đầu tư, xây dựng phát triển các cơ sở đào tạo du lịch có chất lượng cao; ưu đãi về đất đai, tài chính… thì cũng cần phải rà soát lại các luật chuyên ngành “xem cái gì chưa hợp lý, luật khác chưa có quy định thì mới quy định”.

Thẩm tra về nội dung này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, nhận xét, chính sách phát triển du lịch quy định tại dự luật còn chung chung, chưa được cụ thể hóa thành các quy phạm tại các điều khoản cụ thể trong luật. Đồng thời, dự thảo cũng chưa đưa ra được những chính sách đặc thù, mang tính đột phá để đảm bảo cho du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, thường trực ủy ban đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định pháp luật liên quan về ưu đãi đầu tư (theo Luật Đầu tư 2014). Đồng thời nghiên cứu chi tiết hóa các chính sách phát triển du lịch, huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch.

Chiều 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Cho ý kiến về dự luật, ông Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho rằng, nếu với tư cách luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, với khái niệm này, tôi sẽ khẳng định Trịnh Xuân Thanh đi du lịch”. Bởi lẽ, dự thảo định nghĩa du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác. Điều này cũng có nghĩa rằng với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là đi du lịch.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục