Thiếu gì?

Mỗi ngày, người dân nghe đài, đọc báo lại thấy nơi này cháy xe máy, nơi kia cháy xe hơi. Xe cũ cháy đã đành, xe mới cũng cháy. Xe đang chạy bỗng nhiên cháy, xe dựng một chỗ cũng bỗng dưng bốc hỏa. Lúc đầu cháy xe ở Hà Nội và các tỉnh phía phía Bắc, nay cháy lan cả ra các tỉnh phía Nam. Chỉ riêng TPHCM, trong thời gian ngắn đã có tới chục vụ cháy xe không rõ nguyên nhân rõ ràng.

Một số cơ quan cho biết, các vụ cháy, nổ xe có thể do hở xăng; lưu hành xe quá cũ, quá tải; sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại; lắp thêm nhiều phụ kiện khác (còi, đèn, quá trình sử dụng bị hỏng, chập điện gây ra cháy nổ); xe đời mới tuy hệ thống phun xăng điện tử nhưng vẫn có nguy cơ bị rò rỉ… Nhà khoa học cùng vào cuộc, nhưng chỉ đưa ra một vài phỏng đoán. Gần đây, họ nói có thể là do methanol được pha lẫn với xăng nhằm tăng lợi nhuận (methanol là dung môi mạnh nên khi gặp chất liệu cao su sẽ hòa tan các chi tiết, làm hở). Từ đó xăng và methanol thoát ra ngoài, gặp nguồn kích (tia lửa, nguồn nhiệt) sẽ bốc cháy… Nếu đúng là như vậy, phải chăng do quản lý lỏng lẻo dẫn tới việc doanh nghiệp đưa ra thị trường sản phẩm xăng không bảo đảm chất lượng? Vụ việc này vẫn chưa làm sáng tỏ.

Còn nhà quản lý nói gì? Ngành đăng kiểm Việt Nam cho biết việc cháy, nổ xe không phải do họ vì đã thực hiện rất nghiêm ngặt các quy trình, quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Doanh nghiệp bảo rằng, xe xuất xưởng là đã được đăng kiểm kỹ càng, họ không có lỗi. Hỏi cơ quan phòng cháy chữa cháy (PCCC), cơ quan này nói chỉ có trách nhiệm dập tắt đám cháy chứ không có quyền điều tra nguyên nhân vụ cháy. Nếu có thì đơn vị PCCC chỉ phối hợp với cơ quan điều tra trong công tác khám nghiệm, còn việc trưng cầu giám định phải do cơ quan điều tra của công an thực hiện.

Viện Khoa học hình sự nếu đi tìm nguyên nhân vụ cháy thì chỉ trả lời kết quả cho cơ quan điều tra chứ không trả lời cho đơn vị PCCC. Nhưng cơ quan điều tra chỉ vào cuộc khi thấy vụ cháy, nổ có dấu hiệu hình sự, mà dấu hiệu hình sự thì chưa thấy (ngoại trừ vụ nổ ở Bắc Ninh được cơ quan giám định chỉ rõ “có dấu hiệu hình sự”)…

Cứ vòng vo như vậy, dường như quả bóng trách nhiệm cứ đưa qua, đẩy lại mà chẳng biết đâu là điểm dừng. Trách nhiệm thì mù mờ, nhưng hậu quả thì có thật. Chưa thấy chính quyền, cơ quan quản lý hay doanh nghiệp nào chịu, nhưng dân đã phải chịu. Người dân cảm thấy bất an, cứ ngồi xe là nơm nớp, không hiểu xe mình một lúc nào đó bỗng dưng bốc cháy? Giả sử xe dựng trong nhà tự nhiên bốc cháy và nếu ở nhà ống không có cửa hậu thoát hiểm thì thoát thân cách nào đây? Ở các chung cư, tầng trệt chứa từ vài chục đến vài trăm xe các loại, nên cư dân ngụ tại đây nơm nớp như phải sống trên những quả bom nổ chậm…

Trước nay, nước ta hầu như không có hiện tượng cháy xe diễn ra dồn dập trên diện rộng như vậy. Vậy tại sao chỉ trong thời gian ngắn lại rộ lên các vụ cháy, nổ xe máy, xe hơi và cả xe tải? Chúng ta thiếu máy móc kiểm định, thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm hay còn thiếu gì nữa? Làm gì để bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân hiệu quả? 

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục