Thiếu kênh tiêu thụ, lúa xuống giá

Chưa kịp vui với những nhận định khả quan về tình hình lúa gạo năm 2010, những ngày đầu năm, nông dân các tỉnh ĐBSCL đang hồi hộp vì giá lúa bắt đầu xuống. Giá lúa tuột xuống kéo theo bao nỗi lo toan về một vụ đông - xuân trúng mùa nhưng trật giá.
Thiếu kênh tiêu thụ, lúa xuống giá

Chưa kịp vui với những nhận định khả quan về tình hình lúa gạo năm 2010, những ngày đầu năm, nông dân các tỉnh ĐBSCL đang hồi hộp vì giá lúa bắt đầu xuống. Giá lúa tuột xuống kéo theo bao nỗi lo toan về một vụ đông - xuân trúng mùa nhưng trật giá.

Giá xuống bất ngờ

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đang thu hoạch lúa đông - xuân sớm. Mới vào đầu vụ nhưng đi đâu cũng thấy lúa bạt ngàn, lúa chất đầy các bờ kênh, lúa tràn ra đường. Không khí thu hoạch đang ngày càng sôi động.

Chỉ đống lúa to đùng, ông Nguyễn Văn Thành, nông dân xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, cho biết: “Dân xứ này canh tác mỗi năm 2 vụ lúa - 1 vụ màu, nhưng đông - xuân vẫn là chủ lực. Năm nay, năng suất đạt khoảng 6,5 tấn/ha, cao hơn năm rồi một chút. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi lo lắng là giá lúa đang xuống”. Trước Tết Canh Dần, giá lúa thường ở mức 5.000 đồng/kg, nay chỉ còn 4.200 đồng/kg. Chưa đầy 2 tuần mà giá lúa đã giảm khoảng 800 đồng/kg.

Tương tự, ông Trần Văn Giàu ở xã Tân Bình (Bình Tân, Vĩnh Long) lo lắng: “Không chỉ giảm giá, mà ngay cả việc bán lúa lúc này cũng không phải dễ. Nếu như mọi năm, vừa thu hoạch xong đã có thương lái đến mua tại ruộng, trả tiền cái một. Còn hiện nay lúa đã suốt xong mấy ngày nhưng chẳng thấy ai tới hỏi mua, trong khi tiền công cắt, tiền phân, thuốc… vẫn còn treo, chưa thể thanh toán”. Không bán được lúa tại ruộng nên vợ chồng anh Giàu buộc lòng phải thuê ghe chở lúa về nhà, vừa tốn công và tốn thêm chi phí.

Nông dân bắt đầu lo khi giá lúa đang giảm và khó tiêu thụ. Ảnh: HUỲNH LỢI

Nông dân bắt đầu lo khi giá lúa đang giảm và khó tiêu thụ. Ảnh: HUỲNH LỢI

Tại An Giang, Bạc Liêu… nhiều hộ thu hoạch lúa sớm cũng kém vui khi giá liên tục sụt giảm. Ông Trần Văn Bảy, canh tác 15 công lúa ở Tri Tôn (An Giang) trăn trở: “Thông thường đầu vụ lúa có giá và dễ bán, nhưng năm nay ngược lại. Tình hình này kéo dài thì nông dân khốn đốn, vừa không có tiền trang trải trong gia đình, trả nợ ngân hàng, thậm chí không có vốn để đầu tư cho vụ sau”.

Thiếu kênh tiêu thụ

Một trong những nguyên nhân khiến giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL liên tục giảm là do hệ thống thương lái (hàng xáo) đang “án binh bất động”. Các năm trước, vừa ăn tết xong mùng 4 hoặc mùng 6 là họ “xuất quân” mua lúa để cung ứng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm nay đến tận mùng 8 Tết nhưng rất nhiều ghe lúa ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… chưa nhổ neo.

Ông Huỳnh Phú Lộc, thương lái chuyên nghiệp ở xã Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp) giải thích: “Từ sau tết đến nay giá lúa gạo sụt một cách bất ngờ. Hiện tại lúa hàng hóa ở những cánh đồng lớn thuộc Tứ giác Long Xuyên chỉ còn 4.100 đồng/kg, nhưng chẳng thương lái nào dám mua. Bởi gạo 15% tấm hiện chỉ còn khoảng 5.800 đồng/kg, gạo 5% tấm khoảng 6.000 - 6.100 đồng/kg… bình quân giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg trở lên so trước Tết Canh Dần”.

Theo ông Lộc, không chỉ giá giảm mà hiện tại các kho gạo ở khu vực ĐBSCL mua vào rất hạn chế, vì vậy thương lái không dám liều lĩnh. Thực tế đã có nhiều thương lái ở ĐBSCL vừa mua lúa giá cao về xay gạo chưa kịp bán cho doanh nghiệp thì giá gạo đã sụt dẫn đến lỗ nặng. Ông Tống Văn Liệt, ở xã Tân Thành (Lai Vung, Đồng Tháp) khẳng định: “Khoảng 2 tuần qua, hầu hết thương lái đều lỗ do gạo sụt liên tục. Với tình hình giá cả không ổn định như hiện nay, thà neo ghe chịu đóng lãi ngân hàng chứ không dám đi mua lúa, bởi nhổ neo đã chắc… lỗ!”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Kể từ tháng 3-2010 trở đi, các tỉnh ĐBSCL sẽ vào cao điểm thu hoạch lúa đông - xuân, khi đó lượng lúa hàng hóa sẽ tăng từng ngày. Theo ước tính, chi phí giá thành vụ này khoảng 2.000 - 2.200 đồng/kg, có nơi đến 2.500 đồng/kg. Với giá lúa hiện tại thì nông dân lãi khoảng 40%-50%”. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại tới đây tỉnh nào cũng đồng loạt thu hoạch, nếu giá lúa tiếp tục giảm sẽ kéo lợi nhuận của nông dân giảm theo.

Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho rằng: “Hầu hết nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đều trông cậy vào vụ đông - xuân, hàng loạt khoản chi tiêu cũng dựa vào vụ mùa chủ lực này. Do đó giá lúa đang sụt giảm những ngày qua đã tác động trực tiếp đến tâm lý người dân. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cần sớm can thiệp, chỉ đạo cho các doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh thu mua nhằm tránh tình trạng giá lúa ngày càng giảm khi thu hoạch rộ”.

Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, ngay sau Tết Canh Dần, VFA sẽ thực hiện “bảo hiểm giá lúa” cho nông dân với giá sàn là 4.000 đồng/kg, nhằm đảm bảo lợi nhuận từ 40% trở lên cho người trồng lúa. Theo đó, nếu diễn biến thị trường sụt giảm thì VFA sẽ chỉ đạo gấp các doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh thu mua để nâng giá lúa lên. Với việc bảo hiểm này, VFA khuyến cáo nông dân không nên lo lắng mà bán tháo trong trường hợp giá lúa giảm, sẽ bị thiệt hại.

Hiện tượng giá lúa đầu vụ đông - xuân ở ĐBSCL đang xuống báo hiệu kênh tiêu thụ lúa gạo tiếp tục có vấn đề. Nếu các doanh nghiệp chủ lực không vào cuộc sớm, tình hình sắp tới sẽ rất khó lường.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục