Hồ sơ đăng ký dự tuyển vào khối C các trường ĐH-CĐ đang ngày càng sụt giảm nghiêm trọng (chỉ còn dưới 5%). Điểm thi và sự thích thú học tập các môn khối xã hội của học sinh phổ thông cũng đang ở mức báo động. Vấn đề bất cập trong cơ cấu ngành nghề và tạo nguồn nhân lực xã hội đã rõ rệt hơn bao giờ hết. Vậy sẽ ra sao nếu trong tương lai gần, nguồn nhân lực của chúng ta “hổng” hẳn các kỹ năng, vốn kiến thức xã hội.
Lỗ hổng... nguy hiểm
Những thống kê trong vài năm trở lại đây cho thấy bức tranh hết sức u ám về việc học tập, khả năng trau giồi, tích lũy kiến thức các môn xã hội của học sinh, cũng như định hướng cơ cấu ngành trong tương lai của nguồn nhân lực nước nhà. Từ việc tỷ lệ điểm thi các môn khối C (Văn - Sử - Địa) của các kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ ngày càng thấp, tỷ lệ lượng hồ sơ nộp dự thi khối C teo tóp dần qua từng năm cho đến sự chênh lệch cán cân đào tạo nguồn nhân lực giữa các nhóm ngành kinh tế với xã hội ngày càng lớn (hơn 38% hiện nay so với quy hoạch là 20% vào năm 2020)… cho thấy đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận và có hướng tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thu Giao, Giám đốc nhân sự Công ty Interflour Việt Nam cho biết: Không ít sản phẩm “ra lò” chất lượng cực kỳ kém ở các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc đội, nhóm. Yếu kém còn thể hiện ở chỗ sinh viên (SV) ra trường không soạn thảo được một văn bản ở dạng đơn giản nhất, thậm chí viết sai lỗi chính tả. Đây thật sự là lỗ hổng mà các trường cần phải quan tâm. Tôi thấy việc bỏ lơ kiến thức nền các môn xã hội chính là hệ quả mà hiện nay không ít nhân lực khối ngành kinh tế đang bị hẫng hụt.
Trong đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH” do Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện từ việc khảo sát 234 nhà tuyển dụng và 3.364 SV (năm cuối) từ 20 trường ĐH cũng cho thấy điều đó: Trên 50% số SV tốt nghiệp phải được đào tạo lại với lý do chủ yếu là chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Trong đó, 36,3% số doanh nghiệp cho rằng SV phải được đào tạo lại các kỹ năng, vốn kiến thức tổng quát xã hội. Một con số đáng phải suy nghĩ.
Có cái nhìn cận cảnh hơn về nguồn nhân lực, ông H.N.P. giám đốc nhân sự một công ty thẳng thắn: Năm ngoái, lần đầu tiên công ty bổ sung câu hỏi về kiến thức xã hội vào bảng vấn đáp trong thi tuyển nhân sự. Khi chấm 100 bài test tuyển dụng vào vị trí thiết kế phần mềm, điểm chuyên môn của các ứng viên khá tốt nhưng kiến thức về xã hội lại quá tệ. Trong cơ cấu câu hỏi bài phỏng vấn có khoảng 20% nội dung dành cho kiểm tra kiến thức xã hội ứng viên, trong đó gồm kiến thức lịch sử, văn hóa và chính trị nhưng chỉ có khoảng 20 bài thể hiện tốt, còn lại là hỏng. Dù không phải chuyên ngành nhưng liệu có thể là một nhân lực tốt hay không khi anh không nắm vững những kiến thức xã hội, am hiểu văn hóa có tính phổ thông?
Giải cách nào?
Trong thực tế tuyển dụng và xây dựng đội ngũ nhân sự cho công ty, phần nhiều công ty tuyển dụng vẫn chỉ dựa vào năng lực chuyên ngành của ứng viên chứ ít khi “kèm” thêm bản đánh giá phụ trợ về các kiến thức xã hội, văn hóa và kỹ năng mà ứng viên dự tuyển đang có. Điều đó, vô tình khiến kiến thức các môn xã hội bị “rơi rụng”.
Ông Trần Lương, Phó Tổng giám đốc, phụ trách tuyển dụng nhân sự Công ty AM&C (Q.Bình Tân) chia sẻ: Ba năm qua, công ty tôi tuyển dụng khoảng 100 nhân sự cho các vị trí. Trong đó, khối kinh tế - quản trị - marketing chiếm khoảng 86%, khối văn thư, hành chính văn phòng chỉ khoảng 8%, còn lại là các vị trí khác. Tuy nhiên, điều khiến tôi băn khoăn lớn nhất chính là “lỗ hổng” kiến thức xã hội của các cử nhân kinh tế-tài chính quá lớn. Do thiếu quá nhiều những kỹ năng nền tảng về giao tiếp, ứng xử, vốn sống xã hội nên nhiều người chẳng khác gì những cỗ máy. Họ chỉ biết “chạy” theo một phương thức làm việc được hoạch định sẵn mà rất thiếu linh hoạt trong các tình huống, ứng xử hay ngoại giao. Nhiều khi muốn cất nhắc một người lên làm trợ lý nhưng ngắm trước, dòm sau vẫn không tìm được một nhân sự giỏi tay nghề, vững kỹ năng và giàu kiến thức xã hội. Có lẽ đây là hạn chế lớn nhất của SV khối ngành kinh tế.
Tiến Nguyễn