Liên quan đến đầu tư hạ tầng kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM, vừa qua, HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các đơn vị liên quan về tiến độ đầu tư. Tại cuộc họp, Sở TN-MT khẳng định, thành phố với hơn 10 triệu dân sinh sống, không thể kiểm soát chất lượng môi trường bằng giải pháp thủ công. Việc đầu tư hạ tầng hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường bằng công nghệ tự động, hiện đại là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc.
Thiết bị quan trắc không khí tự động trên đường Hồng Bàng quận 5, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Sở quản lý nhà đất nhưng thiếu đất đầu tư hạ tầng
Đó là một trong số những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong hoạt động triển khai đầu tư hạ tầng dự án kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, để đầu tư hoàn chỉnh dự án kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố, sở đã xây dựng dự án tổng thể và chia thành hai giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 xây dựng dự án “Đầu tư Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường” với tổng mức đầu tư là 78 tỷ đồng và giai đoạn 2 xây dựng dự án “Nâng cao năng lực quan trắc môi trường tại TPHCM giai đoạn 2016 - 2020” với tổng mức đầu tư là gần 495 tỷ đồng.
Cụ thể, ở giai đoạn 1, sở tập trung xây dựng mới văn phòng làm việc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường kết hợp đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm phân tích môi trường, 2 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, 2 trạm quan trắc chất lượng nước mặt tự động và 1 trung tâm truyền dữ liệu tự động chất lượng nước mặt và chất lượng môi trường không khí đặt tại Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường trực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường.
Với giai đoạn 2, tiếp tục chia thành hai lộ trình đầu tư. Từ năm 2016 - 2018 sẽ tập trung vào việc đầu tư được nâng cấp lên với quy mô lớn hơn, hoàn thiện hơn. Theo đó, sở tiếp tục đầu tư 7 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí cố định; 1 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí di động; 2 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; cải tạo, nâng cấp 15 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất; đầu tư mới 6 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất và 4 trạm quan trắc sụt lún mặt đất. Ngoài ra, đầu tư trang thiết bị phòng kiểm chuẩn cho các thiết bị quan trắc tự động liên tục kết hợp nâng cấp, hiện đại hóa phòng phân tích tài nguyên và môi trường và hệ thống điều hành mạng lưới quan trắc tự động (không khí, nước mặt, nước thải…). Riêng từ năm 2018 - 2020, đầu tư 8 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai; đầu tư mới 10 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất, 5 trạm quan trắc lún mặt đất và mạng lưới quan trắc, giám sát môi trường nước thải (lưu lượng nguồn thải có nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên). Cuối cùng là xây dựng mới trạm điều hành hệ thống quan trắc tự động chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM (tại phường Bình Trưng Tây, quận 2).
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất mà việc triển khai dự án đang vấp phải là thiếu diện tích đất để đặt các trạm đo đạt chất lượng không khí, nước dưới đất và lún mặt đất. Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, để đầu tư đủ những hạng mục công trình cho dự án nêu trên, cần có 72 địa điểm để lắp đặt trạm quan trắc. Trong đó, 22 trạm quan trắc không khí (diện tích 28m2/trạm), 10 trạm quan trắc nước mặt (diện tích 36m2/trạm), 31 trạm quan trắc nước dưới đất (diện tích 60m2/trạm) và 11 trạm quan trắc lún mặt đất (diện tích 80m2/trạm). Khảo sát hiện trạng quỹ đất đang sử dụng lắp đặt các trạm quan trắc đã xuống cấp và hư hỏng cho thấy, phần lớn địa điểm lắp đặt các trạm này là thuê của người dân hoặc mượn của các đơn vị. Hiện có nhiều đơn vị, hộ dân không đồng ý cho thuê hoặc mượn lại địa điểm. Mặt khác, theo bà Mỹ, về lâu dài việc thuê hoặc mượn địa điểm sẽ thiếu tính bền vững cho dự án. Trên thực tế, một số điểm quan trắc sau khi phải di dời do phải trả lại địa điểm đã bị mất các số liệu thu thập được trong nhiều năm, gây lãng phí đầu tư cũng như gián đoạn số liệu quan trắc.
Cần tạo quỹ đất ổn định cho trạm quan trắc môi trường
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ khẳng định, nếu dự án đầu tư đúng theo tiến độ và tiêu chuẩn, công nghệ, kỹ thuật đưa ra thì hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường mới sẽ đáp ứng yêu cầu quan trắc và phân tích môi trường cho TPHCM; quản lý, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường; tăng cường sự phối hợp, quản lý, giám sát của các sở, ngành chức năng đối với hoạt động quan trắc môi trường, kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố, bảo đảm cung cấp chuỗi số liệu tin cậy, tức thời và liên tục, làm cơ sở cho việc phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề môi trường, đánh giá hiện trạng, xu thế và diễn biến môi trường phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường và hoạch định chính sách. Thế nhưng, để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của dự án, Sở TN-MT kiến nghị thành phố nên có chủ trương xác định vị trí các trạm quan trắc tại khu vực đất công thuộc sở hữu của các sở, ngành, đơn vị nhà nước, các khu vực lộ giới đường giao thông, đường sông; chấp thuận về xác lập chủ quyền cho các trạm quan trắc tại một số địa điểm thuộc phạm vi đất công, đất đã quy hoạch, đền bù. Điều này để phòng trường hợp, các quận, huyện khi có nhu cầu tái sử dụng những địa điểm đã bố trí để lắp đặt trạm quan trắc phải được sự chấp thuận của UBND TP. Ngoài ra, thành phố cần có cơ chế và kinh phí hỗ trợ, đền bù hoa màu, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm… tại một số điểm đặt trạm quan trắc thuộc phạm vi đất của người dân. Và cuối cùng là xem xét, huy động các nguồn tài trợ để thực hiện các chương trình, dự án trong giai đoạn 2017 - 2020.
Riêng về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện đã xem xét và bố trí vốn xong cho dự án giai đoạn 1 và đang tiếp tục xem xét giai đoạn 2. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều đơn vị, tổ chức nước ngoài mong muốn hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực môi trường nên để có thể huy động hiệu quả nguồn tài trợ cho dự án kiểm soát chất lượng môi trường nói riêng và các dự án liên quan đến lĩnh vực môi trường nói chung, Sở TN-MT nên xây dựng danh mục những dự án môi trường cần đầu tư và tiêu chí đầu tư cụ thể. Có như vậy mới giảm nhẹ ngân sách nhà nước đầu tư trong lĩnh vực này, đồng thời có thể bắt kịp xu thế phát triển hiện nay. Còn về phía các nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài cũng thuận lợi hơn trong việc lựa chọn dự án hỗ trợ phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình.
MINH XUÂN