Loạt bài “Bia ôm thác loạn” đăng trên Báo SGGP vừa qua đã gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có công văn yêu cầu TPHCM, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng báo cáo tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TPHCM để làm rõ thêm trách nhiệm của ngành công an trong việc ngăn chặn tệ nạn này.
* Phóng viên: Thưa ông, ông bình luận gì về thực trạng mại dâm nhức nhối trong phản ánh của Báo SGGP?
* Thiếu tướng LÊ ĐÔNG PHONG: Tất nhiên là chúng ta không thể chấp nhận tình trạng như thế này. Phải loại bỏ những tệ nạn như vậy ra khỏi đời sống xã hội để bảo đảm TPHCM có một môi trường lành mạnh. Việc xảy ra vừa qua thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, chắc chắn lãnh đạo TPHCM sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra và xác định rõ trách nhiệm của mình.
* Ông nghĩ sao khi phía phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng, họ chỉ có thể khảo sát, nắm tình hình tệ nạn mại dâm còn lập án, bắt là phần việc của công an?
* Về trách nhiệm của công an trong lĩnh vực phòng chống mại dâm thì chúng tôi có trách nhiệm chính trong việc chống tội phạm liên quan đến mại dâm. Còn những hành vi bán dâm, kinh doanh sử dụng nữ tiếp viên kích dục..., nếu mức độ vẫn trong diện xử phạt hành chính thì chúng tôi chỉ có trách nhiệm phối hợp trong ban công tác liên ngành. Bất cứ hành vi vi phạm nào khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang đều có thể bị xử lý. Tạm giam là biện pháp ngăn chặn, chỉ áp dụng trong xử lý hình sự. Trong hoạt động mại dâm, nó có xen lẫn của hành vi vi phạm pháp luật hình sự và hành vi vi phạm hành chính. Có những trường hợp chỉ thuần túy là vi phạm hành chính. Điều này đã có trong quy định của pháp luật rồi, nên những cơ quan chức năng cứ thế mà xử lý thôi, không nên ỷ lại lẫn nhau.
Còn về phối hợp của công an, trong trường hợp xử lý hành chính, cơ quan nào phát hiện thì sẽ xử phạt hành chính đúng thẩm quyền. Công an có trách nhiệm trực tiếp về chống tội phạm về mại dâm, ví dụ hành vi chứa, môi giới mại dâm. Mua dâm và bán dâm phổ biến là vi phạm hành chính. Cũng có những hành vi mua - bán dâm có yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì lúc đó công an mới vào cuộc xử lý hình sự. Phải trên cơ sở phát hiện ra sự việc, phân loại thì mới xử lý.
* Từ trước tới nay, xử lý hình sự về tội phạm mua - bán dâm tại TPHCM có nhiều không, thưa ông?
* Nhiều chứ. Khi dư luận phát hiện ra vẫn có mại dâm thì không có nghĩa là cơ quan công an hay các cơ quan chức năng không xử lý. Chúng ta phải tính số đã phát hiện so với tổng thể số phát hiện - xử lý. Rất nhiều đường dây đưa gái mại dâm đi nước ngoài chẳng hạn, chúng tôi đã có xử lý hình sự rồi.
* Từ thực trạng mà báo chí đã phản ánh, nhất là sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tới đây ngành công an TP có xem xét trách nhiệm đã để diễn ra tình trạng mại dâm trên địa bàn?
* Từ trước đến nay, Công an TPHCM vẫn luôn xác định rõ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, trong đó có phòng chống tội phạm về mại dâm. Trong các biện pháp công tác cũng đã triển khai, xác định trách nhiệm cho toàn lực lượng, cho từng cấp công an. Trong quá trình thực hiện đó, ở đâu làm tốt sẽ được biểu dương khích lệ, ở đâu thiếu trách nhiệm, để xảy ra tệ nạn mà có trách nhiệm của công an thì lãnh đạo công an TP sẽ xem xét, xử lý theo đúng quy định.
* Ông đánh giá gì về việc các cơ sở có mại dâm thường bảo họ đã được “bảo kê”?
* Đó là họ nói, còn cơ quan chức năng phải kiểm tra. Phải trên cơ sở kiểm tra thì mới xác định được ai có dính líu trách nhiệm: từ việc vô trách nhiệm, thờ ơ, hoặc có trách nhiệm liên quan đến việc để xảy ra tệ nạn đó thì phải có xử lý tương xứng.
* Theo ông, đâu là biện pháp tích cực để góp phần ngăn ngặn tệ nạn mại dâm: xử phạt nặng về hành chính, xử hình sự?
* Cái gốc của vấn đề phải là tuyên truyền, xây dựng một nếp sống văn hóa, lối sống trong sạch trong cộng đồng, xã hội để mọi người đều có ý thức trong hành vi của mình, thực hiện lối sống lành mạnh của mình. Bên cạnh đó, phải giải quyết căn cơ nguyên nhân phát sinh ra tệ nạn mại dâm, trong đó có vấn đề về đời sống kinh tế, xã hội, tạo việc làm. Mặt khác, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm cũng là điều cần thiết. Việc xử lý nghiêm phải có tác dụng răn đe để người vi phạm không tái phạm, người chưa vi phạm thì không vi phạm, kể cả người bán dâm và mua dâm. Mức xử phạt nào đủ để răn đe thì rất vô chừng, luôn gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Mức xử phạt không bao giờ là cố định cho một địa phương hay một nhóm đối tượng nào, nó cũng chỉ mang tính chất tương đối. Vấn đề là người vi phạm, khi bị phát hiện hành vi thì việc xử lý phải bảo đảm để họ thấy được họ sai, nhận thức của họ mới quan trọng. Nếu người ta không thay đổi về nhận thức thì việc xử phạt cũng khó có tác dụng để họ thay đổi hành vi.
* Cảm ơn ông!
PHAN THẢO
- Thông tin liên quan:
>> Phản hồi loạt bài Bia ôm thác loạn
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Lê Thị Bích Khanh: Tập trung đánh tan “tập đoàn” bia ôm
| |
|