Sau khi cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo về loại thịt bò mang tên Kobe được các doanh nghiệp cũng như nhà hàng nhập vào Việt Nam để bán như một loại đặc sản với giá lên tới 3,5 - 4 triệu đồng/kg chỉ là thịt bò nhập lậu hoặc “mượn” thương hiệu thịt bò Kobe để đánh lừa người tiêu dùng, hôm qua (26-12), hàng loạt nhà hàng, cửa hiệu đã vội tháo bỏ biển hiệu hoặc thoái thác không bán thịt bò Kobe.
Phủ nhận thịt bò Kobe
Trả lời loại thịt bò Kobe có phải nhập lậu hay không, hôm qua (26-12), ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, cho biết kết quả kiểm tra các cơ sở kinh doanh thịt bò Kobe đã chứng tỏ những đơn vị này đã sử dụng chứng thư giả để nhập khẩu thịt bò Kobe vào Việt Nam là hoàn toàn chính xác. Khi kiểm tra, các đơn vị kinh doanh đều không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Do đó, theo luật, những lô thịt bò Kobe đã nhập khẩu vào Việt Nam phải thu hồi, tiêu hủy toàn bộ.
Tuy nhiên, hiện đang nảy sinh khó khăn, sau khi có cảnh báo của các cơ quan chức năng, trong ngày 26-12, các nhà hàng từng quảng cáo có món thịt bò Kobe Nhật Bản đã gỡ hết niêm yết và quảng cáo. Bởi vậy, rất khó cho công tác kiểm tra, xử lý. “Chúng tôi đã tới kiểm tra tại một nhà hàng trên phố Lý Thường Kiệt và một cơ sở nhập khẩu. Tuy nhiên, họ đều phủ nhận là không nhập và không bán thịt bò Kobe Nhật Bản, chỉ có thịt bò Australia và Mỹ. Do đó, không thể kiểm tra phát hiện được” - ông Lộc nói.
Do vậy ông Lộc đề nghị người tiêu dùng nếu đi ăn ở nhà hàng nào, phát hiện thấy có niêm yết giá và quảng cáo thịt bò Kobe Nhật Bản thì thông báo cho Chi cục QLTT Hà Nội để chi cục xử lý theo quy định.
Theo tìm hiểu cho tới hôm qua, không chỉ các cơ sở kinh doanh, nhà hàng quảng cáo có món thịt bò Kobe đua nhau “chạy làng” mà ngay cả một số địa chỉ rao bán, niêm yết giá thịt bò Kobe trên mạng cũng đã nhanh chóng gỡ bỏ sản phẩm này. Gọi điện đến một nhà hàng đã từng giới thiệu có món thịt bò Kobe Nhật Bản, cũng nhận được câu trả lời hiện đã không còn bán loại thịt bò này, chỉ có thịt bò Mỹ và Australia.
Bắt buộc tiêu hủy
Còn theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, mặc dù hiện nay, Cục Thú y đã cấp giấy phép nhập khẩu cho hàng loạt sản phẩm thịt đặc sản ngoại như thịt cừu Australia, tu hài Mỹ... đồng thời cũng đang cho nhập thịt bò từ Mỹ và Canada vào Việt Nam, nhưng riêng thịt bò Kobe của Nhật Bản, Cục vẫn chưa cho phép nhập khẩu. Lý do giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn chưa có văn bản pháp lý nào ràng buộc về các thỏa thuận có liên quan đến điều kiện vệ sinh thú y với các sản phẩm thịt bò nhập khẩu.
Sau khi phát hiện thịt bò Kobe xuất hiện nhiều trên thị trường, Cục Thú y Việt Nam đã làm việc với Cục Thú y Nhật Bản và phát hiện, các cơ sở nhập khẩu đã sử dụng chứng thư giả để nhập thịt về Việt Nam. Ông Năm cho biết, do không được phép nhập vào Việt Nam theo chính ngạch nên các cơ sở nhập khẩu đã nhập lậu vào nội địa thông qua xách tay hoặc nhập theo đường tạm nhập tái xuất rồi lợi dụng để tuồn vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, lo ngại hơn tình trạng các cơ sở kinh doanh đã mượn thương hiệu thịt bò Kobe để bán thịt bò giả. Vì thịt bò Kobe thật có mùi vị rất đặc trưng, có màu sắc như đá cẩm thạch, có hàm lượng omega 3 lớn.
“Cũng chính vì hàm lượng này dù đắt đỏ đến mấy, người dân vẫn đổ xô mua, vì cho rằng nó có thể giúp giảm mỡ trong máu”. Mặc dù tại Nhật Bản, cứ mỗi 150gram thịt bò Kobe được bán lẻ với giá 50USD, tương đương với 6-7 triệu đồng/kg. Trong khi loại thịt bò Kobe bán ở thị trường hiện nay chỉ có giá khoảng 3-4 triệu đồng/kg.
Ông Năm cho rằng, đây có thể chỉ là thịt bò được nuôi ở Mỹ và Canada, các doanh nghiệp nhập khẩu về theo chính ngạch giả thịt bò Kobe bán cho người tiêu dùng Việt Nam. Ông Năm khẳng định, dù là thịt bò Kobe thật theo quy định phải thu hồi, tiêu hủy vì đây là hàng lậu, chưa được kiểm dịch an toàn thực phẩm. Còn nếu phát hiện ở khu vực biên giới và các bến cảng thì trách nhiệm sẽ thuộc về Cục Thú y.
Đồng thời, nếu muốn nhập khẩu thịt bò Kobe vào Việt Nam, các doanh nghiệp phải đề nghị với Cục Thú y để cục làm việc với Cục Thú y Nhật Bản nhằm thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan tới kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh theo quy định.
PHÚC HẬU
Thông tin liên quan