(SGGP).- Thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris, Pháp năm 2015 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4-11-2016.
Đây được xem là dấu mốc quan trọng để các quốc gia nghiêm túc hướng tới hoàn thành các mục tiêu trong thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu. Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính... theo cam kết đã đề ra. Để triển khai thực hiện Thỏa thuận, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các bộ - ngành và các đối tác phát triển xây dựng Kế hoạch đến 2030 nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam. Kế hoạch này đề ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính hệ thống về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường nguồn lực, minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Hội nghị lần thứ 22 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) diễn ra tại Marocco từ ngày 7 đến ngày 18-11 với sự tham dự của đại diện của 195 quốc gia. Tại sự kiện này, Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới tập trung đàm phán việc triển khai Thỏa thuận Paris; thúc đẩy các quốc gia tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu. Sự kiện kéo dài 11 ngày sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề mang tính kỹ thuật, chuẩn bị để thực hiện Thỏa thuận Paris; thúc đẩy dòng tài chính toàn cầu dành cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển. Việt Nam là một trong những nước có kế hoạch chi tiết để triển khai thỏa thuận đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam sẽ cắt giảm 8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, với mục tiêu cắt giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
BÌNH LÊ