Thóc hơn 3.000 năm tuổi vẫn còn nảy mầm?

Gần đây, cộng đồng các nhà khoa học và nhiều người đã hết sức “sửng sốt” trước thông tin một số hạt thóc thu được trong cuộc khai quật thành Dền (huyện Mê Linh, Hà Nội) thuộc văn hóa Đồng Đậu (có niên đại cách đây 3.000 - 3.500 năm), gần đây đã nảy mầm. Mọi chuyện đang được tiếp tục làm sáng tỏ về khoa học. Nhưng đây nếu là “sự thật” thì sẽ là một cú sốc lớn cho giới khoa học Việt Nam cũng như thế giới
Thóc hơn 3.000 năm tuổi vẫn còn nảy mầm?

Gần đây, cộng đồng các nhà khoa học và nhiều người đã hết sức “sửng sốt” trước thông tin một số hạt thóc thu được trong cuộc khai quật thành Dền (huyện Mê Linh, Hà Nội) thuộc văn hóa Đồng Đậu (có niên đại cách đây 3.000 - 3.500 năm), gần đây đã nảy mầm. Mọi chuyện đang được tiếp tục làm sáng tỏ về khoa học. Nhưng đây nếu là “sự thật” thì sẽ là một cú sốc lớn cho giới khoa học Việt Nam cũng như thế giới

PGS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết, viện này tiếp nhận khoảng 100 hạt thóc từ cuộc khai quật trên nghiên cứu, trong tuần trước đã có 6 hạt nảy mầm. Mặc dù số thóc này đang tiếp tục được theo dõi, nghiên cứu, nhưng TS Lê Huy Hàm cho rằng về lý thuyết và thực tế đều không thể có hiện tượng thóc tồn tại nguyên vẹn trong tự nhiên với thời gian từ 3.000 - 3.500 năm. Ông cho rằng cũng có thể có trường hợp trùng lặp hy hữu là thóc được “bảo quản” trong điều kiện nhiều tro bụi và xương động vật vùi sâu dưới lòng đất. Trong điều kiện đó, thóc có thể tồn tại trong một thời gian dài, nhưng cũng khó đạt đến mốc hàng ngàn năm. Đây là vấn đề cần được làm rõ.

Những hạt thóc được cho là có độ tuổi trên 3.000 năm đang nảy mầm ở Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TRẦN BÌNH

Những hạt thóc được cho là có độ tuổi trên 3.000 năm đang nảy mầm ở Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TRẦN BÌNH

Trong khi đó, PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội, người chủ trì cuộc khai quật cho biết gần 1 tháng nay, mỗi ngày đoàn khảo sát thu thập được vài hạt. Vì nghĩ số thóc này tồn tại trong môi trường ẩm ướt nên các nhà khoa học cho nước vào ngâm để bảo quản. Sau vài ngày, sợ thóc thối nên các nhà khoa học gạn bớt nước và chứng kiến một vài hạt thóc đã nảy mầm. Ngay bản thân PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung và các nhà khoa học tham gia khai quật cũng rất băn khoăn về sự kiện này nên đã gửi mẫu đến Viện Di truyền nông nghiệp để chăm sóc và tiếp tục nghiên cứu.

“Với tư cách là người tham gia khai quật và thu thập mẫu vật, tôi chắc chắn những hạt thóc được lấy đúng mẫu trong tầng văn hóa đó” - TS Lâm Thị Mỹ Dung nói. PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Viện Khảo cổ học cho biết ông đã được thông báo về vấn đề này và theo ông đây là điều rất khó xảy ra. Trong các đợt khai quật trước đó, các di vật thu được có nhiều loại và được xác định thuộc văn hóa Đồng Đậu, trong đó có cả thóc nhưng đều hóa than hết. Theo TS Nguyễn Lân Cường, chưa bao giờ có hiện tượng hạt thóc tồn tại được nguyên vẹn trong môi trường tự nhiên với thời gian dài như vậy.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS Nguyễn Quang Miên, Trưởng phòng Thí nghiệm và xác định niên đại, Viện Khảo cổ học cho biết, đối với vi khuẩn và bào tử cấp thấp, khi chôn sâu dưới lòng đất nhiều năm, ở điều kiện môi trường khắc nghiệt, chúng sẽ có cơ chế tự đóng lại, sau nhiều năm vẫn có thể giữ được sự sống. Tuy nhiên, theo nguyên lý thông thường, thóc có hiện tượng trao đổi chất thường xuyên nên khó có thể tồn tại nguyên vẹn sau 3.000 - 3.500 năm nằm sâu dưới lòng đất. Khảo cổ học Việt Nam chưa từng ghi nhận hiện tượng này.

TS Nguyễn Quang Miên cũng cho biết phương pháp đồng vị carbon (C14) được coi là cách xác định tuổi cổ vật tiên tiến nhất hiện nay. Nhưng phương pháp này chủ yếu được dùng để xác định tuổi cổ vật “đã chết”, tức là từ thời điểm không còn sự trao đổi chất. Vì vậy, với số thóc vẫn nảy mầm, vẫn tiến hành trao đổi chất thì phương pháp này vẫn có sai số khá lớn. Điều này phụ thuộc vào hạt thóc mới chết, đã chết hoặc vẫn có khả năng nảy mầm.

Tuy nhiên, căn cứ vào vật thể chứa số thóc đó như đất bao xung quanh thì vẫn có thể kết luận chính xác niên đại của số hạt thóc nói trên. “Bên cạnh đó, các nhà khoa học có thể xét nghiệm tất cả số hạt thóc thu được tại cuộc khai quật thành Dền để có kết luận về hạt thóc ngừng trao đổi chất sớm nhất có niên đại cách ngày nay bao nhiêu năm” - TS Nguyễn Quang Miên cho biết.

Trần Bình

Tin cùng chuyên mục