Cận ngày khai mạc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, Việt Nam và thủ đô Hà Nội bỗng chốc trở thành từ khóa được kiếm tìm nhiều nhất trên mạng xã hội. Và không ngoại lệ, một người bạn làm báo ở Nga cũng nhắn tin hỏi thông tin thêm về địa chỉ khách sạn Metropole, về tiệm làm tóc kiểu Trump và Kim Jong-un ở đê La Thành, về phở Thìn hay phở Cồ, những nơi hứa đãi ăn miễn phí hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều… và vân vân - những thứ được loan truyền nhanh chóng mặt trên Facebook và các mạng xã hội Nga. Không biết anh bạn này kịp có mặt tại Hà Nội để hội quân cùng khoảng 2.600 nhà báo nước ngoài (đã đăng ký tại Bộ Ngoại giao Việt Nam) không, song sức nóng Việt Nam đã lan tỏa khắp địa cầu. Người ta chú ý liệu có ra được “Tuyên bố chung Hà Nội”, liệu có bước tiến đột phá nào trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên?… hoặc đơn giản chỉ muốn ngắm nhìn cử chỉ, điệu bộ, cách ứng xử của hai nhà lãnh đạo được coi là “bí ẩn” và “khó đoán” nhất trong lịch sử. Tất nhiên, nước chủ nhà - Việt Nam - được chú ý đặc biệt với các phóng sự “bên lề” mà có tiền cũng khó mua được (đúng như ông chủ cà phê Trung Nguyên đã thốt lên “nhiều tiền để làm gì” trong cuộc ly dị vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam).
Trước đó, ai cũng thấy tiếc vì thông tin chính thức rằng Hà Nội được chọn là nơi tổ chức được loan báo quá trễ, chỉ 2 tuần trước cuộc gặp, trong khi Singapore biết trước 2 tháng. Nhưng muộn còn hơn không nếu biết rằng Singapore chi cho tất cả hoạt động tổ chức và truyền thông cho sự kiện chỉ khoảng 20 triệu SGD (khoảng hơn 15 triệu USD), nhưng đã thu về ước tính khoảng 500 - 700 triệu USD nhờ hiệu ứng “cái bắt tay” lịch sử của hai nguyên thủ Mỹ - Triều.
Có thể khẳng định đây là cơ hội hay thời cơ “vàng” để du lịch Việt Nam thực sự khởi sắc. Năm 2018, Việt Nam đón khoảng 15 triệu du khách nước ngoài, tạo ra 7% GDP với doanh thu khoảng 27 tỷ USD, một con số mà cơ quan chủ quản xuýt xoa là “ấn tượng”, nhưng so với tiềm năng thiên nhiên và nền văn hóa do cha ông tạo dựng hàng ngàn năm lịch sử thì con số đó nói thật là không xứng tầm vì cũng thời gian tương đương, nước láng giềng Thái Lan đón tới 35 triệu du khách. Điều đáng nói nữa là lượng du khách quay lại lần thứ hai hết sức nhỏ nhoi: Tổng cục Du lịch đưa ra con số 40% du khách quay trở lại sau lần du lịch đầu tiên, nhưng báo cáo của Hiệp hội Du lịch thế giới lại đưa ra con số khác, chỉ 10% du khách quay trở lại Việt Nam, 90% còn lại thì “một đi không trở lại”. Con số nào đáng tin? Nhưng thôi đó là chuyện “hạ hồi phân giải” vì “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, giống như những yếu kém chả cần tài thánh gì ai cũng biết như vấn đề cơ sở hạ tầng, chuyện tắc đường, làm ăn chụp giựt, chặt chém, sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu… Và chúng ta chỉ tập trung vào đề tài liên quan đến hiệu ứng truyền thông từ cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Kim Jong-un.
Nếu chỉ dựa vào “nội lực” trong công tác tuyên truyền, quảng bá thì chắc hẳn sẽ không có bước đột phá về lượng và chất trong công tác thu hút du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, chi phí cho việc xúc tiến, quảng bá du lịch của chúng ta rơi vào khoảng 2 triệu USD (con số năm 2016), chỉ bằng 3% so với Thái Lan và 2,5% so với Singapore. Để thu hút 15 triệu lượt khách quay trở lại, hàng năm Thái Lan chi khoảng 70 triệu USD cho các hoạt động quảng bá du lịch, còn với Singapore là 80 triệu USD. Dẫn con số như vậy để thấy chúng ta rơi vào vòng lẩn quẩn khi “kích” và “cầu” không tạo sự đột phá đáng kể trong ngành công nghiệp không khói. Nhưng tiền cũng chưa hẳn “là tất cả” nếu thiếu một đội ngũ nhân lực có tài, có tâm, có tầm… Không nói đâu xa, chỉ riêng mảng văn hóa nghệ thuật, dù hét khản cổ và đã được Nhà nước chấp thuận chi 85 tỷ đồng cho bộ máy vài chục ngàn hội viên của Liên hiệp các hội VHNT, song gần như chúng ta không có một sản phẩm nghe - nhìn nào đáng để thế giới lưu tâm. Năm 2014, trong chiến dịch “Tôi ghét Thái Lan” nhằm đem lại cái nhìn mới về đất nước, Thái Lan đã tung ra một video clip tuyệt mỹ về một anh chàng du lịch chán ghét Thái Lan… đến mức phải lòng Thái Lan (qua hình ảnh về sự trợ giúp nồng nhiệt của người bản địa) và chỉ trong 3 ngày, số người xem đã đạt con số 1 triệu lượt người. Còn ta, có lẽ chỉ phở và nón lá (như trong một tiểu phẩm hài của VTV) là hết… mức sáng tạo.
Anh bạn nhà báo người Nga cũng kể sự đổi mới của du lịch nước Nga khi ông Putin quyết định chuyển ngành du lịch từ Bộ Văn hóa sang Bộ Kinh tế phát triển, vì rõ ràng chuyển từ bộ tiêu tiền sang bộ kiếm tiền là logic, hợp lý, hợp tình. Người quản lĩnh vực này là một phụ nữ mới ngoài 30 đã mạnh dạn tuyên bố “tôi chịu trách nhiệm để bất cứ ai đã đến Nga thì trong đầu chỉ nghĩ đến sự quay trở lại nước Nga”. Âu cũng là một gợi ý cho chúng ta. Để nghĩ về những ngày hậu cuộc gặp thượng đỉnh khi Việt Nam là điểm đến duy nhất vì sự thân thiện, sự độc đáo của nền văn hóa…