Thông điệp của người anh hùng

Từ những bản làng nằm thấp thoáng dưới đại ngàn Trường Sơn, không ít lần tôi được nghe kể về những việc làm rất đáng trân trọng của người Anh hùng Hồ Vai, ở thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế). Sau ngày đất nước thống nhất, người anh hùng ấy đã dành phần đời còn lại để cưu mang, chăm sóc trẻ em khuyết tật, mồ côi, bất hạnh…
Thông điệp của người anh hùng

Từ những bản làng nằm thấp thoáng dưới đại ngàn Trường Sơn, không ít lần tôi được nghe kể về những việc làm rất đáng trân trọng của người Anh hùng Hồ Vai, ở thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế). Sau ngày đất nước thống nhất, người anh hùng ấy đã dành phần đời còn lại để cưu mang, chăm sóc trẻ em khuyết tật, mồ côi, bất hạnh…

Thông điệp của người anh hùng ảnh 1

Anh hùng Hồ Vai

Những năm 1960, bị quân dân ta đánh nhiều đòn ác liệt, bọn Mỹ- ngụy ở miền Trung điên cuồng tăng quân số, vũ khí nhằm san phẳng dãy đất này. Trên dãy Trường Sơn qua các tỉnh miền Trung, bọn địch rải thảm bom, đạn, chất độc hóa học mỗi ngày lên tới hàng ngàn tấn.

Dọc tuyến đường 9 qua tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), chúng lập nên đồn bốt, kiểm soát, tra tấn người dân dã man. Trước những hành động tàn ác đó, chàng thanh niên Hồ Vai đã kêu gọi bản làng đánh trả kẻ thù. Một đêm cuối mùa đông 1962, Hồ Vai dẫn đầu một nhóm 12 người, bí mật tấn công đồn giặc.

Sau khi qua lớp hàng rào kẽm gai, gỡ mìn và pháo sáng được địch cắm dày đặc, anh em chia thành 3 tốp, đánh vào một hướng. Bị tấn công bất ngờ, giặc không kịp trở tay, chết như rạ. Những năm sau đó, chàng trai Hồ Vai liên tiếp lập nhiều chiến công, đáng nhớ nhất là trận ở chân núi Tà Rê, Pa Tiêng, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới.

Năm 1965, người cách mạng kiên trung Hồ Vai được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông được phần thưởng cao quý: ra Hà Nội gặp Bác Hồ và học văn hóa do các cán bộ cao cấp của trung ương giảng dạy. Ra trường, ông làm đơn xin vào miền Nam chiến đấu, bởi với ông, chừng nào còn kẻ thù, chừng đó ông phải có mặt.

Những năm tháng gắn bó với miền Nam, Anh hùng Hồ Vai ít có điều kiện trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng hình ảnh những đứa trẻ Vân Kiều, Pa Kô bị bom đạn cướp mất một phần thân thể cứ ám ảnh ông mãi không thôi. Ông tâm nguyện đến một ngày sẽ làm được điều có ích, dù là nhỏ nhất để giúp các cháu. Năm 1984, Anh hùng Hồ Vai xin chuyển công tác từ Ban Quân sự miền Tây về làm cán bộ Huyện ủy huyện A Lưới. Đến năm 2001, khi đã về hưu ông mới có điều kiện thực hiện ước mơ của mình.

Những năm qua, người Anh hùng áo vải Hồ Vai đã dành hết công sức để giúp đỡ các cháu mồ côi, khuyết tật không nơi nương tựa. Ông không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội khắp nơi, quyên góp tiền của để chữa bệnh cho các cháu. Ông tâm sự: “Hậu quả của chiến tranh đã làm cho hơn 1.600 người ở A Lưới, trong đó chủ yếu là trẻ em bị di chứng chất độc da cam; số còn lại bị mồ côi và tàn phế do bom, mìn.

Ban ngành các cấp đã nỗ lực rất nhiều, song địa phương còn khó khăn nên chưa thể xây dựng trung tâm nuôi dưỡng”. Với số tiền dành dụm, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho những gia đình nghèo có con, cháu khuyết tật, Hồ Vai cho bà con vay không tính lãi với điều kiện họ nhận nuôi các cháu mồ côi… Từ những việc làm thiết thực ấy, hàng trăm trẻ thơ bất hạnh ở A Lưới đã được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo.

Anh hùng Hồ Vai năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông nói với tôi, nếu trời còn cho sức khỏe, ông sẽ xây ngôi nhà chung cho các cháu mồ côi. Tôi cầu mong tâm nguyện ấy được hoàn thành, để phần nào xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh ở miền quê nghèo khó này.  

PHAN HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục